Cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy. Tại buổi tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam”, giới chuyên gia trong và ngoài nước đã có nhiều chia sẻ về lĩnh vực này.

Cần những cơ chế khuyến khích trong chuyển dịch năng lượng

Là đại diện của một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, quan điểm về chuyển đổi năng lượng và quy hoạch năng lượng quốc gia là phù hợp với định hướng theo Nghị quyết 55 và cam kết COP26, tiềm năng của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Đối với EVN, ngoài việc chuyển đổi năng lượng, các nhà máy hiện hữu đang sử dụng than, EVN còn có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị hệ thống để hấp thụ được các nguồn sơ cấp khác và nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống điện hiện nay.

ef8712a41e917d132425d986cadd5b1a-1655945978.jpg
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ tại tọa đàm

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Vậy công tác chuẩn bị phải làm sao để đáp ứng được mục tiêu này và đảm bảo an ninh năng lượng. Hiện Việt Nam đang được sự hỗ trợ của các tổ chức trên thế giới và đang xây dựng lộ trình của mình để đáp ứng vào mục tiêu năm 2050 phát thải ròng bằng 0.

Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, để vừa đảm bảo mục tiêu chuyển đổi năng lượng, vừa đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế thách thức này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn với các hệ thống điện trên thế giới. Chúng ta có những chia sẻ từ cách làm của các nước, ví dụ như Đức, họ đã đẩy mạnh công tác truyền tải, tuy nhiên chi phí rất lớn.

“Về tài chính, chúng ta cần khoảng 14 tỷ USD (chưa kể chi phí cho chuyển đổi năng lượng). Nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ như GE Việt Nam và nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế thì mục tiêu dịch chuyển năng lượng của Việt Nam để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Nguyễn Tài Anh nhận định.

Đại diện EVN đồng thời đưa ra hai kiến nghị, trước hết chúng ta cần có chủ trương chính sách để triển khai chương trình sao cho hiệu quả và tối ưu nhất. Chúng ta đã có Ban chỉ đạo nhà nước về vấn đề này và trong thời gian ngắn các Bộ ngành sẽ được giao nhiệm vụ và các đơn vị sẽ triển khai sớm. Vấn đề thứ hai, để chuyển đổi năng lượng thành công thì công nghệ và tài chính là rất quan trọng. Đối với công nghệ hydrogen hay amoniac thì thời gian tới phải có giải pháp để đưa giá thành công nghệ xuống. Hiện nay, EVN đang xây dựng các lộ trình, chính sách để làm sao đạt hiệu quả nhất, để chuyển dịch năng lượng thành công với chi phí thấp nhất.

a98b8d5e6767a08fddbc1ac0abbde52d-1655946015.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng

TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, là đơn vị nghiên cứu chính sách, Bộ Công Thương nhận thấy chuyển dịch năng lượng đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó, có 8 thách thức như: Đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, các dạng năng lượng truyền thống đang suy giảm về khả năng cung cấp, các tiềm lực trong nước còn hạn chế, chúng ta phải đảm bảo tăng trưởng xanh và giảm phát thải bằng 0 theo cam kết của Chính phủ…Đây được xem là những thách thức lớn.

“Trước đây, chúng ta đã chuyển đổi nền năng lượng phi thương mại sang nền kinh tế tiếp cận các nguồn năng lượng thương mại với các mức giá tiệm cận thế giới. Chúng ta chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mới và tái tạo để giảm phát thải. Tuy nhiên, chúng ta còn chuyển từ nguồn tập trung sang phân tán, từ phụ thuộc vào nhập khẩu sang tự chủ”

Cũng theo ông Hưng, sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình chuyển dịch năng lượng giúp ngành đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành.

Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cũng khá đa dạng, phong phú, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Việt Nam cũng nằm trong khu vực có tiềm năng trao đổi giao thương năng lượng thuận lợi trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, điểm yếu của ngành là năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Thêm nữa, hành lang pháp lý tạo đà cho sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng mới và tái tạo chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ. Bởi vậy, để góp phần cho việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam thành công rất cần khuôn khổ pháp lý để hấp dẫn các nhà đầu tư, cần nhanh chóng xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực mà chúng ta cho là trụ cột để thực hiện. Các khuôn khổ pháp lý được thiết lập vững chắc sẽ là nền tảng để thúc đẩy công nghệ.

Là một doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng từ khá sơm, ông Nguyễn Thái Hà giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng thuộc Tập đoàn T&T bày tỏ sự đồng tình trong việc làm sao để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Theo ông Hà, cơ hội trong đầu tư, cơ hội đó rõ ràng như thế nào phụ thuộc vào các chính sách và hướng dẫn của nhà nước. "Chúng tôi tham gia vào năng lượng tái tạo rất sớm, 3 năm qua, chúng tôi đã triển khai một loạt các dự án điện gió trên bờ và năng lượng mặt trời. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ bùng nổ sau cam kết của Chính phủ tại COP26. Thời gian qua, Tập đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các đối tác lớn của nước ngoài (Đan Mạch, Pháp) và mời họ vào tham gia các dự án tiếp theo của Tập đoàn thông qua huy động vốn. Đồng thời phối hợp với họ để nghiên cứu sử dụng khí tự nhiên LNG và sang sử dụng khí hydrogen. Bên cạnh đó, Tập đoàn Năng lượng T&T đang có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư, nhà sản xuất công nghệ phụ trợ…", ông Hà nói

Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ với nguồn vốn rất lớn, do đó, cần sự tham gia tham gia của nhiều bên. Theo đó, để thu hút đầu tư, ông Hà chia sẻ, doanh nghiệp cần có sự đảm bảo về chính sách liên tục, dài hạn, một cam kết ổn định. Các chính sách cần cụ thể hơn trong việc huy động vốn của các tổ chức nước ngoài, đơn giản nhất là hợp đồng mua bán điện. Chúng tôi rất cần các quy hoạch về tổng thể không gian biển, các hướng dẫn chi tiết về lắp đặt, khảo sát, đo gió…

Chia sẻ thêm về vấn đề chính sách, ông Đỗ Đức Tưởng - Cán bộ cố vấn năng lượng sạch của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho biết, USTDA đã làm việc với Bộ Công Thương để có các chính sách và làm việc với các đơn vị tư nhân một cách kỹ lưỡng. Trong đó, USTDA đã hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Quy hoạch điện VIII với phần mềm công nghệ, để đáp ứng về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, USTDA cũng tham gia vào các quy định điều lệ về thị trường điện. Hiện nay, chính sách này đang được tham vấn ý kiến của các bên liên quan, cuối năm hy vọng Chính phủ sẽ phê duyệt để các đơn vị ký hợp đồng trực tiếp mua bán điện.

“Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi năng lượng. Như lĩnh vực điện khí hóa chúng tôi đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, hay hỗ trợ các hệ thống trang trại điện để có thể đạt hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ xây dựng nhà máy để sản xuất hydrogen… Đồng thời hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII” – ông Đỗ Đức Tưởng chia sẻ.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Đến nay, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới.

69044224cb07fb0fbdf4520453c2a952-1655946056.jpg
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ sẽ là các giải pháp nhằm giúp Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững, đóng góp thiết thực cho nền kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt được mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra” - ông Dũng nói.

Cơ hội và tiềm năng phát triển cho Việt Nam

Nhìn nhận về xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu và ở những nước mới nổi trong đó có Việt Nam. Ông Deepak Maloo, Giám đốc mảng điện gió, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn GE cho hay, Việt Nam đang trong quá trình trở thành một quốc gia xuất khẩu, có thể tận dụng nền công nghiệp hiện đại hay truyền thống đều cần có năng lượng. Chúng ta cần có hệ thống năng lượng sạch, giá cả hợp lý.

“Về mặt công nghệ chúng ta có thời gian làm việc với các công ty có hàng trăm năm kinh nghiệm để làm sao có thể chuyển dịch các nhà máy dùng than sang khí. Theo đó, cần hướng tới công nghệ cao hơn để chuyển dịch năng lượng hiệu quả. Theo tôi có những cơ hội riêng có của từng quốc gia, nhưng đối với Việt Nam là quốc gia rất phù hợp để được trao các cơ hội như vậy” – ông Deepak Maloo khẳng định.

Ông Narendra Asnani, Tổng giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power châu Á nhận định, các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ hydro và thu giữ cacbon, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon. Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo. Với sự hiện diện mạnh mẽ ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng.

Đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng mang đến góc nhìn mới về chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong phát triển chính sách, cũng như những hỗ trợ cho Việt Nam trong hành trình này.

8202143f52459880b56b73d69b895ae0-1655946076.jpg
Ông Narendra Asnani, Tổng giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power Châu Á

Ông Sean Lawlor, Chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khí đạt 38% tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng tỉ trọng điện mặt trời lên tới 40% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035.

Ông Sean Lawlor nhìn nhận, nền kinh tế bình đẳng tại các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đều hướng tới trụ cột nền kinh tế năng lượng xanh, sạch. Phía Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đáp ứng được cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 và có kế hoạch tài chính cho thực hiện cam kết trong tương lai.

"Là đối tác lâu dài của Việt Nam, chúng tôi đang khuyến khích chính phủ Việt Nam triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra tại COP26. Các chính sách bao gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đấu giá, tiêu chuẩn vay vốn và phê duyệt cho các khoản đầu tư cũng như dự án truyền tải điện. Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này”, ông Sean Lawlor nói.

Ông Sean Lawlor cũng đánh giá cao chỉ tiêu về phát triển năng lượng sạch, điện gió ngoài khơi 7GW của Việt Nam. Đây là tín hiệu rõ ràng và là cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu đã đề ra. Đối với điện gió trên bờ, Việt Nam cần phải tái cân nhắc để quyết định. "Chúng tôi có bước tiếp cận đa phương để tham gia chặt chẽ với Việt Nam và hoàn toàn hỗ trợ với các mối quan hệ hợp tác với Úc, Nhật thông qua hợp tác song phương về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng", Ông Sean Lawlor nhấn mạnh

Vị chuyên gia năng lượng đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đề cập đến những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cơ sở hạ tầng truyền tải. Ông cho hay, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nâng cấp hệ thống truyền tải để giảm tắc nghẽn, và nâng cấp hệ thống truyền tải 500 kV Bắc Nam. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao vai trò của khối tư nhân trong phát triển điện lực. Đồng thời thông tin, sau năm 2030, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam để ứng dụng năng lượng hạt nhân trong tương lai.

“Chúng tôi đã sẵn nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam. Đối với việc sử dụng nguồn năng lượng từ hydro, trong tương lai Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn để khai thác tối ưu”- Chuyên gia Hoa Kỳ nói.