Gia đình Ông Vũ Văn Hòe ở thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ , huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trước đây, đình ông chỉ trồng cây keo có chu kỳ 5 năm, sản lượng gỗ trung bình đạt 100 m3/ha cho thu nhập khoảng 70 đến 80 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, chuyển sang trồng rừng gỗ lớn từ 10 đến 12 năm thì khối lượng gỗ có thể tăng lên 120 - 150 m3/ha. Thấy được hiệu quả kinh tế, gia đình ông đã chuyển hơn 5 ha diện tích rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ sang chu kỳ rừng gỗ lớn.
Ông Vũ Văn Hòe, thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Nếu mà khai thác từ 5, 6 năm thì hiệu quả, sản lượng là không được bao nhiêu cả, thực tế gia đình nhà tôi đã khai thác, đã nắm được, nếu mà để 5 năm thì 1 ha chỉ được 70 đến 80 triệu thôi. Nhưng nếu để 10 tới 11 năm thì giá trị mỗi ha lên tới 200 đến 220 triệu trên 1 ha.”
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn, trồng rừng gỗ lớn còn góp phần bảo vệ đất, giữ nước, chống xói mòn, sạt lở đất. Để nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất trồng, UBND xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn đã vận động bà con chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, hiện nay toàn xã có hơn 3.600 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 300 ha đã chuyển sang trồng theo chu kỳ gỗ lớn.
Ông Vũ Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Sau khi chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh và triển khai cơ chế của nghị quyết HDND tỉnh tức là hỗ trợ cho nhân dân vay vốn để chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, thì đối với xã Tiến Bộ bà con nhân dân rất là phấn khởi, bà con thấy lợi ích như thế là rất phù hợp.”
Tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi lâu dài, bền vững, tỉnh có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng như hỗ trợ cây giống; hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Hiện nay tỉnh Tuyên Quang đang có khoảng 60.000 ha rừng gỗ lớn theo quy hoạch, phấn đấu trong giai đoạn tới đên năm 2025 thì nâng lên 89.000 ha. Để chuyển hóa rừng gỗ lớn thì nghành đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HDND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ để chuyển hóa rừng gỗ lớn bằng hình thức cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất. ở đây thì chính sách có hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 36 tháng cho mỗi 1 ha khoảng 70 triệu đồng.”
Phát triển rừng gỗ lớn vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người dân vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đây là một bước đi cụ thể để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh./.