Có đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch đa dạng với nhiều loại hình: du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...Trong những năm qua tiềm năng, lợi thế đang từng bước được khai thác và phát huy, du lịch Tuyên Quang đã có những chuyển biến quan trọng trong đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
“Nàng công chúa” cần được đánh thức
Tuyên Quang được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, bởi đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp nhưng chưa được đánh thức. Tuyên Quang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh,du lịch cộng đồng… Điều kiện địa lý, địa hình với hệ thống núi non hùng vĩ và khí hậu trong lành đã tạo cho Tuyên Quang nhiều hang động, thác nước đẹp tiêu biểu là: Quần thể Danh thắng Động Tiên, hang Núi Chùa ở Minh Quang (Chiêm Hoá); hang Thắm Hoóc, hang Thẳm Vài, hang Bó Ngoặng thuộc Phúc Sơn (Chiêm Hoá); hang Phúc Ứng, hang Thiện Kế (Sơn Dương) và hang Đá Bàn (Yên Sơn). Tuyên Quang có nhiều thác nước đẹp như: Thác Bản Ba huyện Chiêm Hóa có độ dài 3 km, được xếp hạng Danh thắng Quốc gia ngày 25-5-2007. Ngoài ra còn có thác Khuổi Phát, Khuổi Nhi, thác Nậm Me…Hệ thống các hồ nước thiên nhiên và nhân tạo có hồ Khởn huyện Hàm Yên, diện tích hơn 47 ha mặt nước, với nhiều hòn đảo lớn, nhỏ nằm rải rác tạo nên cảnh quan đẹp và hấp dẫn. Hồ thủy điện Na Hang với diện tích hơn 8.000 ha nối liền với thác Đầu Đẳng - hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và huyện Bắc Mê (Hà Giang). Hồ Na Hang là một danh thắng bao gồm hệ thống hồ nước, thác nước, núi non, rừng nguyên sinh được ví như “Hạ Long giữa đại ngàn”. Điều kiện tự nhiên ở Tuyên Quang đã tạo nên những thắng cảnh kỳ thú, hữu tình là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng.
Suối khoáng Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn, được các nhà địa chất học người Pháp phát hiện từ năm 1923. Suối khoáng Mỹ Lâm có nguồn nước nóng tới 680C được lấy trực tiếp từ mạch nước sâu hơn 150 m dưới lòng đất. Nguồn nước nóng này có rất nhiều lưu huỳnh, magiê, canxi và hàng chục loại khoáng vi lượng rất quan trọng trong y học để phục hồi sức khỏe và chữa trị các bệnh về xương, khớp, các bệnh ngoài da... Suối khoáng Mỹ Lâm được đánh giá là suối nước nóng có chất lượng tốt nhất miền Bắc, đây là điều kiện rất tổt để phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc sinh sống. Trong đó đông nhất là các dân tộc: Kinh, Tày, H’Mông, Pà Thẻn, Nùng,… Là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa những sắc thái văn hoá riêng của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, với sự đa dạng, phong phú và độc đáo về văn hóa vật chất và tinh thần. Bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số là nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú đặc sắc để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.
Với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 446 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, 7 di tích khảo cổ, 50 công trình kiến trúc nghệ thuật, 13 danh thắng, Tuyên Quang được ví như một bảo tàng lịch sử, cách mạng... Các di tích nói trên là bằng chứng khẳng định Tuyên Quang là tỉnh có kho tàng di tích lịch sử cách mạng độc đáo và vô giá. Tuyên Quang có nhiều công trình kiến trúc cổ với đình, chùa, đền, miếu như: Thành cổ Nhà Mạc. Đền Hạ kiến trúc mang dấu ấn của tín ngưỡng thờ Mẫu với những đường nét, hoa văn thanh thoát. Cũng như đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La, đền Cảnh Xanh, đền Pác Tạ, đền Bắc Mục, đền Thác Cái... là những công trình kiến trúc văn hóa đặc trưng cho tín ngưỡng thờ Mẫu của Tuyên Quang. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác loại hình du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch tâm linh gắn liền với tín ngưỡng của nhân dân.
Giá trị văn hóa, lễ hội của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được phát huy, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên, hàng năm thu hút rất đông du khách cả trong và ngoài nước tham gia diễn diễu các mô hình khổng lồ đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang. Cùng với đó các địa phương chú trọng khai thác văn hóa truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng như lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nhảy lửa của người Pà Thẻn; các làn điệu dân ca, dân vũ như Sình ca của dân tộc Cao Lan, Then, Cọi của dân tộc Tày, khèn của dân tộc Mông và các món ăn truyền thống được gìn giữ, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.
Tiềm năng du lịch của Tuyên Quang đang từng bước được phát huy, từ một tỉnh chưa được nhiều khách du lịch biết đến thì nay, nhiều tour, tuyến đã được các công ty du lịch kết nối, đưa khách về Tuyên Quang thăm khu du lịch Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang. Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng du lịch của tỉnh đã được khai thác, từng bước mang lại giá trị kinh tế cho người dân nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, người dân chưa giàu lên từ du lịch.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures - một doanh nghiệp lữ hành, chuyên tổ chức các tour du lịch khám phá cho du khách nước ngoài, đánh giá : “ Như một “ nàng công chúa ngủ trong rừng” Tuyên Quang có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, hiện nay du lịch Tuyên Quang vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, các sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, chưa tạo ra điểm nhấn để giữ chân du khách. Để “đánh thức” những tiềm năng, lợi thế sẵn có Tuyên Quang cần thường xuyên quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và kết nối các doanh nghiệp ở các tỉnh bạn như Hà Giang, Bắc Kạn để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng, có như vậy thì mới có thể đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo sức hút đối với du khách”.
Để du lịch thực sự là khâu đột phá, động lực cho sự phát triển trong thời gian tới cần có sự hoạch định một cách bài bản bảo đảm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Hướng đi cho du lịch Tuyên Quang
Để những tiềm năng, thế mạnh được phát huy và khai thác, từng bước mang lại giá trị kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã xác định, du lịch là khâu đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. UBND tỉnh đã hoàn thành quy hoạch các khu du lịch và một số điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển từng loại hình du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, các địa phương của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Tỉnh cũng đã thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC đầu tư xây dựng các khu du lịch tầm cỡ.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ Trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho rằng: “Theo chúng tôi tới đây Tuyên Quang nên tập trung phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn và nghỉ dưỡng khám chữa bệnh. Đây là những lợi thế và thế mạnh sẵn có của Tuyên Quang mà toàn nghành du lịch cũng đang hướng tới. Cùng với đó thì việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng tạo ra sinh kế cho người dân, song song với đó việc cần làm ngay cùng với việc tạo ra các sản phẩm du lịch cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch của tỉnh, tạo ra cho du khách trải nghiệm tốt về cư dân địa phương, để Tuyên Quang sớm trở thành một điểm đến hấp dẫn ở khu vực phía Bắc”.
Xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính đa ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái; thông qua du lịch để gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tỉnh Tuyên Quang đã tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và du lịch.
Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã thu hút 6 doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, đầu tư hạng mục: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; Khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng; khu khoáng nóng; khu dịch vụ, sân Golf Mỹ Lâm. Dự án đầu tư xây dựng sân golf và làng du lịch sinh thái Mimosa…Đây sẽ là điều kiện để đưa Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch Tuyên Quang phát triển bền vững.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; tạo điều kiện môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư; kết quả đã thu hút một số doanh nghiệp lớn có năng lực, chuyên nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch và đang triển khai phát triển dự án du lịch; tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất-kỹ thuật du lịch; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tỉnh Tuyên Quang thực hiện với nhiều hình thức, quy mô lớn hơn và đã có hiệu quả nhất định; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng và văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch được quan tâm; công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng được đẩy mạnh.
Việc liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế được tăng cường nhằm khai thác, phát triển du lịch như thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, khai thác phát triển du lịch; thông qua các buổi làm việc trực tiếp, hội nghị, hội thảo, khảo sát thực tế với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh nằm trong chương trình hợp tác phát triển “Qua những miền di sản Việt Bắc”; và quốc tế như Châu Văn Sơn (Vân Nam-Trung Quốc), Xiangkhouang (Lào), Hàn Quốc; ký hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, trong đó có lĩnh vực phát triển du lịch lòng hồ Tuyên Quang-Hà Giang... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách cũng như thu hút đầu tư vào du lịch.
Trong 5 năm tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đưa vào khai thác đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp các quốc lộ, bê tông hóa 1.080 km đường giao thông nông thôn và xây dựng 200 cầu trên đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện tốt nhất để du khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020 Tuyên Quang thu hút trên 8,4 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội đạt trên 7 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 đón 2,6 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đón 3,2 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 4 nghìn tỷ đồng, qua đó đưa du lịch trở thành một trong những nghành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.