Áp dụng phương pháp hữu cơ trên vườn cam sành
Hiện nay, người trồng cam sảnh ở tỉnh Vĩnh Long đã áp dụng các kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, an toàn. Tại một số vùng trồng cam của huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), bà con trồng cam sành khẳng định hầu hết nông dân trồng thâm canh cây cam sành đều sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với vô cơ.
Theo người dân cho biết, phân bón cho cam giờ chỉ sử dụng các dạng phân hữu cơ như dạng nước, dạng viên, dạng bột. Đặc biệt, có nông hộ còn tự mua cá, đầu tôm ủ với men vi sinh để tạo phân bón hữu cơ có độ đạm cao bón cho cây. Phân cá có độ đạm cao khắc phục được nhược điểm trước đây của phân hữu cơ là độ đạm thấp, phải bón với khối lượng lớn.
Ông Lê Phú Cường, Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Khánh Nhân ở huyện Tam Bình đang có khoảng 13ha cam sành được chứng nhận VietGAP chia sẻ: Trong canh tác, bà con chú trọng dùng phân bón hữu cơ để đất tơi xốp, cây khỏe, ít bệnh. Trong sử dụng thuốc phòng trừ bệnh, bà con chú trọng chọn thuốc sinh học. “Thực tế, nếu trồng thưa kết hợp sử dụng phân hữu cơ thì tuổi cây có thể kéo dài đến cả chục năm”, ông Cường nói.
Anh Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn) cũng chia sẻ: Hợp tác xã đang đầu tư vùng sản xuất cam sành an toàn theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 4ha. Trong mô hình, HTX chú trọng trồng thưa 2,5m/cây (bà con nông dân trồng phổ biến từ 0,8m - 1,2m/cây), sử dụng phần lớn là phân bón hữu cơ như phân trùn quế, đạm cá có kết hợp phân vô cơ ở một số giai đoạn phát triển của cây.
Trong phòng trừ bệnh, sử dụng các loại thuốc ít độc, thuốc sinh học. Đến nay, vườn cam đã gần 9 tháng tuổi, cây phát triển ổn định, ít bị sâu bệnh tấn công. Dự kiến Hợp tác xã sẽ khai thác trái khi cây đủ 2,5 năm tuổi, không khai thác sớm như nhiều mô hình đang làm. “Mục tiêu của Hợp tác xã là tạo vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao để chế biến nước ép cam, đa dạng sản phẩm để không bị động khi thị trường gặp khó khăn”, anh Thảo nói.
Theo PGS.TS Phạm Thị Phương Thúy (Trường Đại học Trà Vinh), kể từ khi giá phân bón vô cơ tăng cao bà con nông dân chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ để kết hợp với phân bón vô cơ trong canh tác nhiều hơn. Qua đó, bà con thấy rõ được việc kết hợp này có nhiều lợi ích như: cải tạo đất tốt, giảm chi phí, cây trồng ít bệnh, chất lượng sản phẩm tốt hơn… nên bà con càng quan tâm ứng dụng nhiều hơn. Do đòi hỏi của thị trường nên canh tác hữu cơ sẽ là xu hướng trong thời gian tới.
Vẫn canh cánh nỗi lo cam rớt giá
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 17.000ha cam sành, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Trà Ôn (hơn 9.500ha), Tam Bình (hơn 3.300ha) và Vũng Liêm (hơn 2.800ha).
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn cho biết: So với các giống cây ăn trái tại địa phương, cam sành là loại cây dễ trồng. Nếu được đầu tư chăm sóc bài bản, cam sành cho năng suất từ 70 – 100 tấn/ha.
Ở Vĩnh Long, từ tháng 11, cam sành đã bước vào thu hoạch chính vụ. Theo tính toán của ngành chức năng địa phương, với diện tích cam đang cho trái hiện có, mỗi ngày có đến hàng nghìn tấn cam được các nhà vườn bán ra cho thương lái.
Tuy nhiên, vào giai đoạn chính vụ cuối năm 2023, giá cam sành ở Vĩnh Long đã trở về mức 7.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn trồng cam cũng mới hòa vốn hoặc có lời chút đỉnh.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, nhờ áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật nên năng suất cam sành của tỉnh những năm qua đã tăng từ 30 - 40 tấn/ha lên gần 70 tấn/ha. Hiện nay, diện tích cam của tỉnh đạt gần 18.000ha, sản lượng gần 1 triệu tấn.
Nhiều nông dân biết áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng được cải thiện từ 36,6 tấn/ha (2019) tăng lên 44 tấn/ha (2023), có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha.
Do sản lượng cam tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây nên giá cam sành năm nay không như ý. Thời gian giá cam thấp kéo dài dẫn đến nhiều hộ dân thua lỗ. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo không tăng diện tích. Thời gian tới, cần điều chỉnh quy hoạch ở những vùng thích nghi, không mở rộng ở những vùng không phù hợp. Bên cạnh đó, có giải pháp để chế biến, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị, góp phần tiêu thụ sản phẩm ở thời điểm cam có sản lượng lớn.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đàm phán, đưa nhóm cây có múi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trước mắt, Sở NN-PTNT xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường trong nước tại các khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, các tỉnh miền Trung, phía Bắc để tiêu thụ số lượng cam hiện có./.