Quảng cáo #128

Trong 10 tháng, thu dịch vụ môi trường rừng hơn 2.400 tỷ đồng, cả nước có 595.488 ha rừng được cấp chứng chỉ

Theo Cục Lâm nghiệp cho biết, qua 10 tháng đầu năm 2024, có gần 212 nghìn ha rừng được trồng mới; Đã có khoảng 135.000 ha rừng được cấp mới chứng chỉ, vượt kế hoạch năm 2024, nâng tổng số diện tích rừng có chỉ rừng của cả nước hiện nay đạt 595.488 ha. Trong 10 tháng năm 2024, thu dịch vụ môi trường rừng của cả nước đạt hơn 2.410 tỷ đồng, đạt 75,5% so với kế hoạch cả năm.

Thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2024 do Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức. Hội nghị cũng công bố các báo cáo về hoạt động quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trong năm 2024 cũng như phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

cong-tac-quan-ly-phat-trien-rung-1-1732870176.jpg
Hội nghị tổng kết công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2024 do Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức.

Cả nước có gần 212 nghìn ha rừng được trồng mới

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho thấy, trong 10 tháng của năm 2024, có gần 212 nghìn ha rừng được trồng mới, trong đó, diện tích trồng mới rừng đặc dụng, phòng hộ đạt 4,8 nghìn ha. Khai thác lâm sản toàn ngành đạt 18,48 triệu m3 gỗ, đạt 81,3% so với kế hoạch năm 2024, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Về cấp chứng chỉ rừng, trong 10 tháng đầu năm 2024 đã có khoảng 135.000 ha rừng được cấp mới chứng chỉ, vượt kế hoạch năm 2024, nâng tổng số diện tích rừng có chỉ rừng của cả nước hiện nay đạt 595.488 ha.

Tổng hợp số liệu báo cáo từ 42 tỉnh, thành phố với 106 ban quản lý rừng đặc dụng và 115 ban quản lý rừng phòng hộ với tổng diện tích 3,95 triệu ha cho thấy, tổng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng bảo vệ là 2,2 triệu ha; trong đó rừng đặc dụng 794,8 nghìn ha (chiếm 38% diện tích), rừng phòng hộ 1,42 triệu ha (chiếm 62% diện tích).

Diện tích các ban quản lý tự tổ chức bảo vệ là 929 nghìn ha, trong đó rừng đặc dụng là 468 nghìn ha (chiếm 52% diện tích), rừng phòng hộ là 461 nghìn ha (chiếm 48% diện tích).

cong-tac-quan-ly-phat-trien-rung-3-1732870218.jpg
Trong 10 tháng của năm 2024, có gần 212 nghìn ha rừng được trồng mới, trong đó, diện tích trồng mới rừng đặc dụng, phòng hộ đạt 4,8 nghìn ha.(Ảnh minh họa)

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số đề án trọng tâm, nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái rừng theo chức năng đa mục đích của rừng; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, phòng chống thiên tai của rừng.

Trong đó phải kể đến Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai… Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành thay thế, sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thu dịch vụ môi trường rừng của cả nước đạt hơn 2.410 tỷ đồng

Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 tháng năm 2024, thu dịch vụ môi trường rừng của cả nước đạt hơn 2.410 tỷ đồng, đạt 75,5% so với kế hoạch năm 2024.

Số liệu từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, cả nước có trên 227 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhận được nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích rừng được chi trả là trên 3,35 triệu ha, tương ứng với tổng số tiền là trên 1.315 tỷ đồng. 

Cụ thể, có 78 ban quản lý rừng đặc dụng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, diện tích được hưởng là gần 1.377 nghìn ha, số tiền được hưởng là hơn 504 tỷ đồng. Có 149 ban quản lý rừng phòng hộ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, diện tích được hưởng là hơn 1.973 nghìn ha, số tiền được hưởng là gần 811 tỷ đồng.

Tổng số tiền được hưởng từ dịch vụ môi trường rừng của ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã được chi trả theo đúng quy định và nguồn thu đã tạo sự ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

cong-tac-quan-ly-phat-trien-rung-2-1732870252.jpg
Trong 10 tháng năm 2024, thu dịch vụ môi trường rừng của cả nước đạt hơn 2.410 tỷ đồng, đạt 75,5% so với kế hoạch năm 2024.(Ảnh minh họa)

Được triển khai từ năm 2011, chính sách dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam hoạt động với mục tiêu tạo ra một cơ chế giúp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các hộ gia đình, cộng đồng và tổ chức bảo vệ rừng nhận được lợi ích kinh tế từ việc cung cấp các loại dịch vụ môi trường rừng, gồm: Bảo vệ, hạn chế xói mòn đất, điều tiết, duy trì nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính…

Trong quá trình triển khai, chính sách này đã có những hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và cải thiện đời sống người dân tại các địa phương có rừng.

Nhấn mạnh về vai trò của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng: “Đây là một cơ chế tài chính huy động nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Thông qua việc huy động nguồn lực này giúp cho công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay duy trì đạt hơn 42%”.

Ông Lượng khẳng định, việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đã giúp cho cộng đồng dân cư, những người dân sống ở vùng miền núi có thêm thu nhập, tạo động lực để họ tham gia bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện sinh kế.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ tiền dịch vụ môi trường rừng chủ yếu chi trả cho chủ rừng, mà chủ rừng đa phần là những người dân ở các vùng kinh tế khó khăn nên có tác động rất lớn, trước hết là nâng cao ý thức của toàn xã hội về việc bảo vệ và phát triển rừng, quý trọng cây xanh.

Chính sách này còn kích thích việc nâng cao chất lượng rừng để có giá trị cho việc cung cấp gỗ lâm sản, tức là nâng cao đường kính cây gỗ để phục vụ chương trình chế biến sản xuất gỗ lớn, hiện nay đạt khoảng 17 - 18 tỷ USD. Đồng thời cũng nâng cao khả năng hấp thụ carbon, giúp Việt Nam thực hiện tốt các dịch vụ về đất, nước, chống xói mòn, giảm phát thải khí nhà kính.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: "Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một con đường rất tốt và là con đường bắt buộc chúng ta phải đi. Đó là con đường tài chính bền vững của ngành lâm nghiệp. Chỉ có đi theo con đường này, chúng ta mới giải quyết được hai mục tiêu rất cốt lõi: Nâng cao diện tích, chất lượng rừng và nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng. Khi làm được điều này, sẽ có rất nhiều lợi ích khác về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…”.

Cần duy trì và phát huy tiềm năng, giá trị của rừng

Năm 2025, trọng tâm sẽ là triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 và đồng thời tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về phát triển dịch vụ môi trường rừng, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng, cần duy trì và phát huy tiềm năng, giá trị của rừng trong việc cung cấp các loại dịch vụ môi trường rừng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính tại các tỉnh Bắc Trung bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ và xem xét từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật, góp phần thúc đẩy việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng trên thị trường.

cong-tac-quan-ly-phat-trien-rung-4-1732870162.jpg
Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đã giúp cho cộng đồng dân cư, những người dân sống ở vùng miền núi có thêm thu nhập, tạo động lực để họ tham gia bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện sinh kế. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển các loài cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị kinh tế của hệ sinh thái rừng cung cấp. Mặt khác, tích cực tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện đang là một công cụ quan trọng góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng sống gần rừng, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu./.

Ngọc Diệp