Cộng đồng tham gia quản lý rừng là một trong những hình thức quản lý rừng đã và đang được thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của các cộng đồng dân cư dựa vào rừng.
Nhiều mô hình quản lý rừng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có trên 14,745 triệu ha rừng; trong đó rừng tự nhiên là gần 10,172 triệu ha, rừng trồng là hơn 4,573 triệu ha; có gần 2,2 triệu ha rừng đặc dụng và gần 4,7 triệu ha rừng phòng hộ. Tính đến 31/12/2021, diện tích rừng cộng đồng dân cư được giao quản lý, sử dụng là 989.827 ha, chiếm 6,7% tổng diện tích rừng của cả nước; trong đó có 920.827 ha là rừng tự nhiên, rừng trồng là 69.486 ha.
Đến nay, cả nước cũng đã có 167 Ban quản lý rừng đặc dụng, 216 Ban quản lý rừng phòng hộ, 112 công ty lâm nghiệp. Hằng năm, các Ban quản lý rừng đã khoán trên 1,3 triệu ha rừng cho cộng đồng; các công ty lâm nghiệp cũng khoán hàng nghìn ha cho cộng đồng, mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ, phát triển rừng.
Cùng với diện tích rừng được hợp đồng giao khoán cho cộng đồng bảo vệ thì một hình thức khác cũng mang lại hiệu quả cao là giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Theo đó, khi giao rừng cho cộng đồng, các thành viên cộng đồng sẽ tự hợp tác với nhau thành lập hệ thống tổ chức quản lý rừng, xây dựng hương ước, cơ chế hưởng lợi, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngoài các hình thức nêu trên, công tác quản lý rừng còn được thực hiện bằng hình thức tuần tra bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng, bắt đầu từ năm 2004 ở một số Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đây là cách thức thu hút cộng đồng, sử dụng kiến thức bản địa, gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng cùng tuần tra bảo vệ rừng. Các Ban quản lý rừng hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; phổ biến kỹ thuật canh tác…
“Ngoài ra, còn hình thức đồng quản lý rừng bằng cơ chế thành lập Hội đồng quản lý rừng. Đây là một trong các cách thức hợp tác quản lý rừng giữa Ban quản lý rừng hoặc công ty lâm nghiệp với cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng, bắt đầu được thí điểm từ năm 2012”, ông Bảo cho biết thêm.
Chia sẻ lợi ích từ rừng
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2017 - 2022, cả nước đã có 5.892 cộng đồng, thôn bản, nhóm hộ được nhận 2.029 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Các cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng được chi trả bình quân 50 triệu đồng/cộng đồng/năm. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này có 259.139 hộ gia đình, cá nhân đã nhận được 943 tỷ đồng tiền DVMTR.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho hay, với việc chia sẻ lợi ích từ rừng, hiện cả nước có hàng trăm mô hình quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả. Các mô hình này đã góp phần phát triển cộng đồng, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý, bảo vệ rừng, tạo mối liên kết giữa cộng đồng với các đơn vị lâm nghiệp, giảm xung đột lợi ích từ rừng. Tuy nhiên, mỗi hình thức quản lý rừng cộng đồng có những thành công ở mức độ khác nhau và có những rào cản riêng; các vấn đề về pháp lý, cơ chế, chính sách cần được rà soát, sửa đổi để hợp tác quản lý rừng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, từ khi có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, cộng đồng dân cư đã được thừa nhận là một chủ thể được giao rừng, với các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 29 và Điều 30 của bộ luật này. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm tăng cường xã hội hóa nghề rừng, tạo thêm sức mạnh cho việc quản lý và phát triển vốn rừng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa bàn hoạt động chủ yếu của ngành Lâm nghiệp. Nhưng do vẫn thiếu các khuôn khổ pháp lý cần thiết, nên gần 20 năm nay, quyền chủ rừng của các cộng đồng dân cư đã được giao rừng bị hạn chế rất nhiều so với các chủ rừng khác.
Theo đó, để góp phần làm tốt công tác bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả quản lý rừng cộng đồng, chúng ta cần có những giải pháp để sử dụng, gắn kết quy định của pháp luật về lâm nghiệp nói chung, bảo vệ và pháp triển rừng nói riêng, với quy ước bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư thôn bản. Trong đó, các cấp ủy đảng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tổ chức, rà soát, nghiên cứu, đánh giá quy ước của cộng đồng dân cư để phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, bài trừ hủ tục làm hủy hoại rừng.
Đồng thời cần có những giải pháp kịp thời, sửa đổi bổ sung, bảo đảm điều kiện áp dụng được đối với từng điều kiện thực tế tại địa phương; các kiến nghị về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý rừng cộng đồng. Cũng cần lưu ý rằng, cần tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản là người có uy tín trong cộng đồng là nòng cốt trong việc tổ chức Quy ước bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cần tăng thẩm quyền trong xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; đồng thời có chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, giúp lực lượng này ổn định đời sống, gắn bó với rừng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.