Sức sống hồi sinh trên mảnh đất Trà Leng sau trận sạt lở kinh hoàng từ 4 năm trước

Sau 4 năm kể từ ngày xảy ra thảm họa sạt lở đất khiến nhiều người chết và mất tích, đến nay đời sống của người dân xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã dần ổn định.

Ám ảnh sạt lở

Gần 4 năm trôi qua, kể từ trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), nhưng nỗi ám ảnh vẫn hiện rõ trên gương mặt của chị Hồ Thị Hiếu (người địa phương) – khi cùng lúc mất đi 3 thành viên trong gia đình, trong vụ sạt lở này.

“Lũ, rồi đá, đất, nước, tất cả từ trên đỉnh đồi ập xuống vùi lấp cả nhà 4 người. Tôi hốt hoảng chạy ra còn người thân, con cháu thì bị chôn vùi trong đống đổ nát” – chị Hiếu nhớ lại.

z6032916116860-31564f6b7c06cb0a649dd9fd043d88a9-1731647905.jpg
Khu dân cư Bằng La được xây dựng để giúp các hộ dân bị mất nhà cửa do sạt lở đất ổn định cuộc sống.

Sức sống mới ở Bằng La

Khác với những năm trước, Trà Leng giờ đây không còn quá cách trở khi tuyến đường bê tông kết nối từ Quốc lộ 40B vào trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng gần hoàn thiện. Ô tô có thể dễ dàng di chuyển đến từng thôn. Đặt chân đến Trà Leng, mọi người có thể cảm nhận vùng đất này đã thật sự thay da đổi thịt khi đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt, khu dân cư Bằng La kiên cố, vững chãi, giúp người dân yên tâm sinh sống, không còn nơm nớp nỗi lo lở núi mỗi mùa mưa bão về.

Nằm gần trụ sở UBND xã Trà Leng, khu dân cư Bằng La hiện có 39 căn nhà sàn bê tông, lợp mái tôn nằm sát bên nhau thành một dãy dài. Đây là khu dân cư do THACO, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Quảng Nam tài trợ, xây dựng để bố trí cho các hộ dân bị mất nhà cửa do sạt lở đất tại làng Ông Đề và làng Tắk Pát (xã Trà Leng).

z6032916179742-33a52ebdaf791d7ff4cf018868c7fc24-1731647905.jpg
Cuộc sống mới dần hồi sinh trên vùng sạt lở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam.

Cùng với đó, hàng loạt công trình như trường mẫu giáo, khu vui chơi trẻ em, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng ngay trong khuôn viên khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống ổn định. Cạnh đó, con sông Leng uốn quanh khu dân cư Bằng La cũng được nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở đất đá vào mùa mưa bão.

Xung quanh vùng đất này là những ruộng lúa bậc thang, rừng quế, vườn chuối xanh mướt. Đây đó, những người dân chăm sóc vườn tược, trẻ em hồn nhiên vui đùa, khung cảnh thanh bình như chưa từng xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng năm nào. Nhiều người dân ở đây cho biết ngoài chỗ ở ổn định, bà con còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để kinh doanh, buôn bán hoặc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi nhằm có nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

z6032916129133-6957864b787b773c495edf36d4ac1ec1-1731647905.jpg
Cuộc sống mới dần hồi sinh trên vùng sạt lở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam.

Đời sống người dân được cải thiện

Ông Hồ Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: Để phát triển kinh tế địa phương, chính quyền xã đã vận động người dân đổi mới, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, người dân địa phương đã trồng được 160 ha quế Trà My và hàng chục ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả, sâm Ngọc Linh. Tổng sản lượng cây có hạt trên địa bàn xã đạt khoảng 490 tấn; đàn gia súc, gia cầm trên khoảng 3.000 con.

Nhiều chương trình, dự án mục tiêu của Chính Phủ chú trọng đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã Trà Leng từng bước phát triển. Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Trà Leng được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên. Vui mừng hơn nữa là đến nay Trường Mẫu giáo Trà Leng đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia./.

Nguyễn Thuyết