Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và phát biểu. TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng, cùng hơn 150 nhà nghiên cứu, đại diện các ban ngành trung ương, địa phương tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của tỉnh; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với việc cụ thể hóa thực hiện “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Học viện Chính trị khu vực III phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”. Đây cũng là một trong những hội thảo quan trọng trong Kế hoạch xây dựng Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 23, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
“Với mục đích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong tình hình mới; với tinh thần khách quan, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm, chúng tôi rất mong các nhà khoa học, nhà quản lý, các đồng chí đại biểu với kết quả nghiên cứu của bản thân và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cùng trao đổi, thảo luận để làm sâu sắc hơn một số vấn đề về nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Hội thảo cũng nghe bài đề dẫn của PGS-TS. Đoàn Triệu Long - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và tham luận của các nhà khoa học. Hầu hết tham luận tập trung vào các vấn đề về phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu xứ Quảng trong xây dựng, phát triển văn hóa, phát huy mặt mạnh của con người Quảng Nam…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, chưa tích cực, hoặc còn băn khoăn, cần lưu ý làm tốt hơn trong thời gian đến trong phát triển văn hóa và nguồn lực con người, cũng như nhận diện một số vấn đề trong hệ giá trị con người xứ Quảng. Cùng với đó, Hội thảo cũng đã khuyến cáo các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới cần lưu ý, đó là, cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm và thu hút nguồn lực, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam. Ưu tiên đầu tư xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.
Đồng thời cần có các giải pháp phù hợp để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong giáo dục; tập trung xây dựng văn hóa học đường; thực hiện tốt chương trình giáo dục địa phương trong trường phổ thông. Quan tâm đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng.
Nhận diện, xây dựng và phát huy văn hóa chính trị, đạo đức công vụ trong cán bộ, đảng viên; tập trung xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; xây dựng văn hóa công sở và tìm cách khơi dậy khát vọng phát triển trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Mặt khác, tiếp tục vận động, giáo dục, phát huy các ưu điểm về tính cách con người Quảng Nam trong phản biện khoa học; quan tâm đến giải pháp khắc phục hạn chế trong phát ngôn, giao tiếp, khắc phục có hiệu quả một số tập quán cũ lạc hậu còn rơi rớt trong bộ phận nhân dân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, thiết chế văn hóa, không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao ở cơ sở, địa bàn khu dân cư; tập trung nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa trọng tâm, thiết yếu. Tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, trao truyền và phát huy nền văn hóa, đồng thời là chủ thể hưởng thụ văn hóa.
Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá văn hóa và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.
Triển khai số hóa tư liệu, tài liệu thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phục vụ công tác quản lý, tra cứu, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa; tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các giải pháp phối hợp bảo tồn văn hóa Quảng Nam tại thành phố Đà Nẵng.
Chú trọng bảo tồn văn hóa miền biển và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh phục vụ phát triển du lịch; bảo tồn văn hóa làng nghề và đội ngũ nghệ nhân trên địa bàn tỉnh; giải pháp mở rộng hợp tác, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới đối với tỉnh Quảng Nam./.