Quảng cáo #128

Quảng Nam: Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai thuận lợi cho xuất khẩu lao động

Thời gian qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã đưa hơn 4.000 lao động xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Đài Loan.

Để hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm; rà soát nhu cầu của lao động để tư vấn, định hướng cho người lao động.  

Đơn cử, tại huyện miền núi Đông Giang, chính quyền địa phương được hỗ trợ 3 tỷ đồng từ việc thực hiện Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi" do UBND tỉnh Quảng Nam triển khai. Từ đó, huyện Đông Giang đã chú trọng hơn trong việc đưa người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài.

3-1731068510.png
Tư vấn đào tạo nghề đi Nhật Bản làm việc tại một cơ sở đào tạo việc làm ở tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo, học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe và các thủ tục xuất nhập cảnh, được hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham gia thị trường lao động ngoài nước, lao động người dân tộc thiểu số không chỉ có thu nhập tốt, thoát nghèo nhanh mà còn học hỏi được các kỹ năng, kiến thức để trở về quê hương lập nghiệp. Từ năm 2022 đến nay, huyện Đông Giang đã đưa hơn 150 lao động đi lao động ở nước ngoài.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, toàn huyện Đông Giang có 15.000 người trong độ tuổi lao động nhưng số lượng lao động xuất khẩu nước ngoài chưa nhiều.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: “Dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là dự án rất thiết thực và ý nghĩa. Bà con đã nhận thức rất tốt về xuất khẩu lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây là điều đáng mừng. Sắp tới, huyện Đông Giang sẽ đẩy mạnh tư vấn, tổ chức sàn giao dịch việc làm để các thị trường trong nước và nước ngoài tiếp cận được về xuất khẩu lao động”.

4-1731068510.png
Nhóm lao động của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa trở về từ HamYang (Hàn Quốc) phấn khởi vì kinh tế được cải thiện.

Còn tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, người lao động xuất khẩu sang HamYang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc) làm việc đang trở thành xu thế mới tại địa phương này. Hiệu quả do người đi trước mang về trong thực tiễn đã giúp người chưa đi có niềm tin và động lực để sang HamYang làm việc theo chương trình hợp tác giữa hai địa phương.

Trở về từ HamYang vào năm trước, chị Hồ Thị Thêm (ngụ xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) lại tỏ ý mong muốn được đi tiếp thêm đợt nữa dù chị đã đi được hai lần. Theo đó, chị Thêm sang HamYang từ tháng 11/2023, thời hạn 5 tháng, được gia hạn thêm 3 tháng nên trọn vẹn 8 tháng thì chị về lại huyện Nam Trà My.

Sau 2 đợt sang HamYang làm việc, chị Thêm đã trả hết tiền mượn cho con gái đi học đại học, làm nhà mua xe máy, mua thêm bò giống, sâm giống và quế để trồng, còn gửi tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. Ngoài chị Thêm, tại huyện Nam Trà My còn nhiều trường hợp khác cũng được hưởng lợi, kinh tế ngày càng được cải thiện từ việc xuất khẩu lao động mang lại. Do đó, ngày càng có nhiều người đăng ký được đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, chính quyền huyện HamYang và huyện Nam Trà My đã có các hoạt động quan hệ hợp tác, giao lưu kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2015 đến nay. Năm 2024, hai bên đã ký kết bản thoả thuận kết nghĩa, đưa mối quán hệ hữu nghị hợp tác lên một bước tiến mới.

Cũng theo ông Dũng, hiệu quả hợp tác giữa hai bên đã thể hiện rõ nét ở việc có những chuyến thăm qua lại để trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng và phát triển sâm. Lao động Nam Trà My đã sang HamYang làm việc rất hiệu quả, được quận HamYang đánh giá cao về tinh thần, thái độ làm việc.

“Thời gian tới, ngoài việc hợp tác đưa lao động sang làm việc, thì HamYang và Nam Trà My sẽ tiếp tục hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quí Quý – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, sau đại dịch Covid-19, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Quảng Nam đã khởi sắc trở lại. Kết quả của giai đoạn trước tiếp tục được phát huy, tiếp thêm niềm tin cho sự chuyển biến trong giai đoạn này.

Cũng theo ông Quý, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là tỉnh có lợi thế lao động đồi dào, ở độ tuổi có năng suất lao động cao. Theo kết quả thu nhập thông tin thị trường lao động, đến năm 2023 lực lượng lao động tỉnh là 1.181.450 người, trong đó lao động nam là 584.967 người (tỷ lệ 50,49% lực lượng lao động toàn tỉnh). Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động đang được cải thiện theo xu hướng tang tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ được cải thiện và nâng cao hàng năm.

Mặc dù giai đoạn 2021-2024 nền kinh tế chịu nhiều tác động  từ đại dịch Covid – 19 và tình hình suy giảm kinh tế thế giới. Thế nhưng, tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh Quảng Nam luôn được kiểm soát trong mức an toàn.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn tỉnh dưới 3% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4% lao động được tạo việc làm tang thêm liên tục trong suốt giai đoạn; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế; tỷ lệ làm việc khu vực chính thức tang hàng năm.

Được biết, thị trường hướng tới để đưa người lao động đi xuất khẩu của tỉnh Quảng Nam gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Ả Rập Xê út… Đối với thị trường có chi phí và đòi hỏi chất lượng cao thì lao động ở khu vực đồng bằng phù hợp; lao động ở miền núi có trình độ thấp hơn sẽ phù hợp với thị trường không tốn chi phí, nghề đơn giản nhưng an toàn và có thu nhập.

Từ đó, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể nhất là chính sách cho vay vốn đối với người gặp khó khăn về kinh phí.  Nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm hiện nay đạt dư nợ cho vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 78,8 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 726,9 tỷ đồng; dư nợ nguồn Ngân hang Chính sách xã hội huy động hơn 1.076 tỷ đồng.

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đưa 744 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 57,2% kế hoạch năm; thực hiện cấp mới, cấp lại, gia hạn 297 giấy phép lao động. Lao động xuất ngoại được chính quyền trợ lực bằng các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, cho vay vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Nguyễn Thuyết