Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau
Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (sau đây gọi là nuôi biển) của Chính phủ: “Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển là gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia. Xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước”.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu nêu trên, Quảng Ninh đã chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) để tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” với chủ đề: “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Astralia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV...
Hội nghị có 3 phần, với các nội dung cụ thể như sau: Phần 1 là tổng quan với các phát biểu của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ NN&PTNT và khách quốc tế. Phần 2 là các phiên tọa đàm với các chủ đề “Tiềm năng và thách thức nuôi biển” và “Giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”. Phần 3 là trao giấy phép nuôi trồng thủy sản biển và ký các thỏa thuận hợp tác phát triển nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hội nghị lần này là cơ hội để chúng ta cùng nhau chuẩn bị cho một câu chuyện đường dài, đó là một chiến lược nuôi biển, chiến lược để hướng tới ngành thủy sản phát triển xanh và bền vững”.
"Các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nuôi trồng thủy sản kết nối với các viện, trường, các nhà khoa học và cả những tập đoàn trong và ngoài nước để chúng ta cùng nhau định hình một con đường nuôi biển, không chỉ tạo ra một nền kinh tế bình thường mà còn góp phần cho một xu thế mà không thể nào thay đổi được, không thể nào bỏ qua, đó chính là xu thế tăng trưởng xanh. Những điều này sẽ được gói gọn trong Hội nghị nuôi biển tại Quảng Ninh để các địa phương cùng nhìn lại, Bộ NN&PTNT cũng nhìn lại. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là sự gợi mở, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đến Quảng Ninh cũng như đến với các địa phương có tiềm năng nuôi biển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói thêm.
Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” mong muốn là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.
Đặc biệt, Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.
Tạo sức bật ngành nuôi biển Quảng Ninh phát triển bền vững
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…
Với diện tích biển trên 6.000 km2, diện tích vùng nuôi hơn 45.000 ha, chiếm trên 15% tổng diện tích nuôi biển toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh xác định nuôi biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với định hướng kinh tế "nâu" sang "xanh".
Cùng với đó, Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế của cả nước, hệ thống kết nối giao thông bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển khá hoàn chỉnh cũng là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng.
Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 42.300ha; trong đó: nuôi nội địa đạt gần 32.100ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 175.000 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt hơn 81.600 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 93.700 tấn.
Ngành thủy sản Quảng Ninh nói chung và nuôi biển nói riêng mặc dù có nhiều lợi thế song chưa thực sự phát huy được hết những tiềm năng đó. Có thể nói, nuôi biển Quảng Ninh giống như “người khổng lồ” vẫn đang say giấc ngủ, chỉ cần có tác động đủ lớn sẽ vươn mình “thức giấc”, mang lại giá trị kinh tế - xã hội to lớn.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, sự kiện này nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển tại Quảng Ninh trong thời gian tới.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh mong muốn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.
Sự kiện cũng nhằm công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Nhận diện được những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ.
Sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định Quảng Ninh sẽ là trung tâm thủy sản của miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Chiến lược, Nghị quyết và ban hành các chính sách nhằm phát triển kinh tế biển và nuôi biển.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xử lý môi trường biển. Khu vực biển hiện nay được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng quy chuẩn hoạt động nuôi biển cao hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu cơ chế và chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương, dựa trên các quy định của Chính phủ, Trung ương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nuôi biển.
Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.