Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm rong tảo biển. Chủ trương phát triển nuôi biển đã được Đảng, Nhà nước xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giai đoạn vừa qua, nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Ngoài các đối tượng nhuyễn thể, giáp xác đã nuôi nhiều năm, thì cá biển, rong, tảo biển đã phát triển khá mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nuôi biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua. Trong năm 2022, ước tổng diện tích nuôi biển cả năm đạt 80.000ha (chưa tính diện tích nuôi xen ghép) và 9 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 750.000 tấn. Trong đó, một số đối tượng chính gồm cá biển: 11.000ha và 4 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 65.000 tấn. Nhuyễn thể 57.000ha, 1 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 480.000 tấn. Tôm hùm 4 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 2.500 tấn; rong biển 11.000ha, sản lượng đạt 150.000 tấn. Các đối tượng khác sản lượng đạt 52.500 tấn.
Lĩnh vực nuôi biển đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu giống, thức ăn nuôi,... Đó là đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá song, chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ,…); hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể (ốc hương, tu hài, bào ngư,…); nghiên cứu thành công thức ăn cho cá chim vây vàng, cá song, cá vược, cá giò. Đồng thời, đang nghiên cứu sản xuất giống một số loài: cá song vua, tôm mũ ni, rong biển,…; đang nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm.
Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn. Hiện nay, có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với gần 249.000 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ, nuôi xa bờ còn ít. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng nghề nuôi biển còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, Vì vậy, nghề nuôi biển cần sớm chuyển sang nuôi công nghiệp để tăng sức cạnh tranh, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia, để nghề nuôi biển Việt Nam phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nuôi biển như: Nhà nước giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (30-50 năm) cho chủ đầu tư, có chính sách về tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo hiểm nuôi biển.... Cùng với đó cần xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, bảo quản, chế biến, xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Cần phát triển nuôi biển cả trong các eo vịnh ven bờ, ven các đảo và quần đảo, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Rào cản quản lý đã làm cản trở việc mở rộng giới hạn, tận dụng tiềm năng ngành nuôi biển. Không gian nuôi biển cần được mở rộng vào trong đất liền để có thể đa dạng hóa công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nuôi biển. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp tại địa phương quán triệt hận thức chung đến các cấp lãnh đạo và quản lý tại địa phương về định hướng phát triển kinh tế biển và chủ trương "Giảm khai thác - tăng nuôi trồng" để cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, thống nhất nhận thức và hành động. tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm nghề phải chuyển đổi theo quy định, kết hợp với kế hoạch phát triển nuôi biển của địa phương để có giải pháp tổ chức, triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ năng, chuyên môn cho lực lượng lao động cần chuyển đổi nghề và có cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý để người dân tự nguyện tham gia. Bộ NN&PTNT cũng đặc biệt lưu ý các địa phương cần quán triệt tư duy phát triển kinh tế nuôi biển phải tích hợp đa giá trị, hài hòa với các ngành kinh tế có liên quan, như giao thông, du lịch, điện gió, xây dựng nông thôn mới...
Tổ chức hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân tham gia nuôi biển. Đồng thời, quan tâm phát triển đồng bộ chuỗi giá trị ngành hàng nuôi biển (bao gồm giống, công nghệ lồng bè, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số…) để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn.../.