Cụ thể, tỉnh tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo các loại hơn 14.700 tấn; lương thực khác 2.527 tấn; thịt gia súc, gia cầm 3.733 tấn; thủy sản 5.398 tấn; hơn 10,5 triệu quả trứng; đường, sữa, bánh, mứt kẹo 1.436 tấn; rau, quả hơn 4.500 tấn…
Theo Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng, cung ứng hàng hóa thị trường tết với nguồn hàng nông sản, thủy sản được nuôi trồng, khai thác trong tỉnh; hàng thực phẩm chế biến ở các tỉnh, thành được kết nối đưa về kết hợp với mạng lưới đại lý thu mua, phân phối, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Vì vậy, các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh là Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Công ty cổ phần Thương mại Kiên Giang, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Kiên Giang, Công ty cổ phần Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang… phải bảo đảm tiến độ sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng đầy đủ theo kế hoạch và có phương án can thiệp kịp thời khi thị trường khan hiếm hàng hóa, bất ổn định..
Ngoài ra, hệ thống siêu thị Co.opmart Rạch Giá, Co.opmart Kiên Giang, Co.opmart Hà Tiên, Mega Market Rạch Giá, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Rạch Giá, hệ thống Vinmart, hệ thống Bách hóa Xanh… kết nối tiêu thụ hàng hóa, tham gia các chương trình bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.
Mặt khác, hệ thống các siêu thị này chủ động các phương án, kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa khó khăn để cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong dịp tết, nhất là triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, góp phần ổn định thị trường.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng Sở Công Thương Kiên Giang theo dõi chặt chẽ, đánh giá tình hình nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Từ đó, chủ động phương án, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Đặc biệt, tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan phối hợp thông tin đầy đủ, kịp thời đến nhân dân tình hình thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, những điểm, chuyến bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Đáng lưu ý, các ngành chức năng có liên quan phối hợp tăng cường kiểm tra thực hiện chương trình bình ổn thị trường của tỉnh, thanh tra và kiểm tra chất lượng sản phẩm, các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, an toàn thực phẩm.
Mặt khác, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa trái pháp luật, nhất là giai đoạn cao điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022./.