Trần Thị Nương: Tâm hồn thơ tinh khiết và quyến rũ

Trần Thị Nương làm thơ từ thời còn là một nữ sinh. Đến nay, chị là một trong những nữ sĩ nổi tiếng trên văn đàn. Trong 15 năm trở lại đây, Trần Thị Nương đã viết vài trăm bài thơ, xuất bản liên tục 7 tập thơ, trong đó có 4 tập đoạt giải thưởng. Có thể nói, bắt đầu từ những năm 90, mạch thơ dồi dào của Trần Thị Nương mới thực sự được khai thông.

Thưởng thức thơ của chị, người đọc ấn tượng mạnh bởi bút pháp đầy biểu cảm về tình yêu mà chị gửi gắm vào cuộc sống. Tình thơ, hồn thơ của chị là một thế giới độc nhất, vừa tinh khiết, vừa quyến rũ.

Điều ít thấy ở những cây bút nữ

Năm 2022, Trần Thị Nương khiến giới đọc bất ngờ khi cho ra mắt tập thơ dày mang tên “Men lửa”. 500 trang thơ gần như thâu tóm được trọn vẹn những tinh túy thơ từ trong nửa thế kỷ sáng tác của chị.

Thơ Trần Thị Nương không chỉ sâu sắc, nồng nàn, bùng cháy, mà vô cùng phóng khoáng. Nói cách khác, càng sáng tác nhiều, Trần Thị Nương càng nhận ra thơ không chỉ mộc mạc, giản đơn “thấy gì nói nấy”. Thơ của chị mang tính tư tưởng rất rõ, lãng mạn mà vô cùng tỉnh táo. Ở bài “Tiếng điếu cày”, chị viết: “Quê tôi những đêm trăng vàng/ Điếu cày ngồi nghe cổ tích/ Chuyện buồn vui nghìn năm trước/ Điếu phà khói trắng lặng im...”

Trần Thị Nương dốc cạn hồn thơ tinh khiết và quyến rũ vào “Men lửa”. Nhâm nhi tập thơ này, người đọc cảm nhận rất rõ nữ sĩ đã đi đến độ chín của thấu thị niềm vui - nỗi buồn, thiện - ác song hành, những mảnh chữ trăn trở ở chiều sâu thăm thẳm cuộc sống: “Hè vừa đến vừa đi vội vã/ Nắng cuồng lên đau rạn cánh đồng/ Mưa đổ sấm nhức vào ruột đất/ Mùa hè về vừa có vừa không...”

Ngay cả thời khắc giao mùa cũng khiến nữ sĩ bung ra những thấu cảm đặc biệt đến thế. Một điều dễ nhận thấy ở thơ Trần Thị Nương chính là mạch nguồn cảm xúc dồi dào, thể hiện một tâm hồn khoáng đạt.

sach-tho-men-lua-1668340491.jpg
“Men lửa” – Trần Thị Nương – NXB Văn học.

Cái đẹp không đứng nguyên một chỗ

Trần Thị Nương ý thức rất rõ về vai trò và trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Vì vậy, chị đã không ngừng nỗ lực đổi mới thơ và đổi mới chính mình.

Thật khó tìm kiếm một tư duy nghệ thuật hiện đại như vậy ở một cây viết ngoài 60 tuổi. Trần Thị Nương bộ lộ tư duy và tâm hồn trẻ trung của mình qua quan niệm: “Mỗi thời đại lại tôn vinh cái đẹp riêng, rất khác trước. Như cuộc sống, cái đẹp luôn đổi mới. Ví dụ xưa kia răng đen, khăn mỏ quạ đẹp, rồi qua đến thời áo dài đẹp, nay thì váy ngắn mới đẹp. Tôi tin cái đẹp được nâng lên, hoàn thiện hơn ở thời sau. Cái đẹp không đứng nguyên một chỗ!”

“Hạnh phúc đến trong niềm vui bình dị/ Giữa hanh hao hạt tách vỏ giao mùa/ Giữa bùn nước – sen vẫn hồng ngọn đuốc/ Nắng lệch chiều – hương vẫn ngát mai xưa...”

Đó là minh chứng về phẩm chất thơ của một nữ sĩ luôn “sống thật với mình”. Phải chăng vì thế mà sự cảm thụ thơ chị trở nên gần gũi với bạn đọc. Tình yêu của chị lấp lánh trong những câu thơ, phía sau những bài thơ, rực rỡ lộ thiên trên những trang thơ thật đẹp, thật trong trẻo, tinh khiết và không thể nói là không quyến rũ.

Góp phần vào thành công của thơ Trần Thị Nương chính là ngữ âm, nhịp điệu, sự hàm xúc và tính triết lý nhân sinh: “Chị tôi tóc đã bạc rồi/ Nét son trinh nữ một thời bền lâu/ Ngôi nhà trắng những đêm thâu/ Tình yêu trắng những nỗi đau khôn lường...”

tran-thi-nuong-1668340491.jpg
Trần Thị Nương - một nữ sĩ luôn “sống thật với mình”.

Trần Thị Nương từng chia sẻ: “Trong thơ, tôi nói bằng ngôn ngữ của chính mình, ngôn ngữ của thiên tính nữ, khát khao giao cảm, ngôn ngữ của tình yêu và nghị lực sống”. Cũng có lúc, Trần Thị Nương mang đến cho người đọc những câu thơ nhẹ dịu như nắng ban mai. Chị luôn tôn thờ tình yêu bằng những nỗi niềm thanh khiết và tinh tế: “Anh đã đến/ Bừng sáng vùng non nước/ Rạo rực xuân/ Trời đất đương thì/ Mơ màng biển choàng màu xanh ngọc bích/ Quên tuổi mình/ Đá nâng bước người đi...”

Đọc và ngẫm “Men lửa”, độc giả sẽ gặp tình yêu nồng nàn, say đắm của một nữ sĩ dành cả cuộc đời cho thơ. Tình yêu cùng với niềm khát khao giao cảm là một trong những nguồn mạch chính tạo tên thơ Trần Thị Nương.

Tác giả Trần Thị Nương là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. “Hẹn với Hoa hồng” là tập thơ thứ 17 của bà. Bà cũng đã đoạt 14 giải thưởng văn học Trung ương và địa phương.
Tiểu Mai