Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển phương tiện giao thông xanh

Cần xây dựng kế hoạch toàn diện, thể hiện rõ vai trò của cơ quan nhà nước, tư nhân, người dân trong phát triển phương tiện xanh; rà soát chính sách và đề xuất cơ chế khuyến khích đối với các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu các phương tiện điện; cơ chế khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông điện để kích cầu và tạo thói quen cho người dân...

Trên đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các Bộ, ngành về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện diễn ra vào ngày 6/8, tại Trụ sở Chính phủ.

chinh-sach-phat-trien-phuong-tien-giao-thong-xanh-2-1722947091.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện. (Ảnh VGP)

Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng: Hiện nay, hệ thống các hạ tầng trạm/cột sạc điện để phục vụ việc phát triển xe điện chưa được xác định thuộc loại quy hoạch nào, việc phát triển hệ thống các trạm/cột sạc điện hiện vẫn mang tính tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý và có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Việt Nam cũng chưa có quy chuẩn riêng cho ô tô điện, trạm/cột sạc điện. Các tiêu chuẩn hiện hành về việc lắp đặt hệ thống trạm/cột sạc điện vẫn còn hạn chế, đặc biệt chưa có đầy đủ bộ tiêu chuẩn cơ bản để thiết kế, lắp đặt và vận hành trạm sạc điện, an toàn ổn định.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội: Hà Nội đang triển khai phương tiện giao thông công cộng là xe điện. Theo kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt khoảng 70%-90% và đến năm 2035 đạt 100%. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư vẫn mang tính chất tự phát. Do đó, cần có quy chuẩn riêng cho ô tô điện, trạm/cột sạc điện…

chinh-sach-phat-trien-phuong-tien-giao-thong-xanh-3-1722947077.jpg
Các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch toàn diện, thể hiện rõ vai trò của cơ quan nhà nước, tư nhân, người dân trong phát triển phương tiện xanh. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết: Bộ đang rà soát ban hành các tiêu chuẩn thiết kế đường dành cho xe điện. Từ nay đến quý 2/2025, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và có hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch bãi đỗ xe trong đô thị, bãi đỗ xe trong công trình dân dụng; Bộ cũng đang chuẩn bị dự thảo hướng dẫn lắp trụ sạc điện tại các công trình hiện hữu theo hướng gắn với công trình, thuộc nhóm công trình cải tạo, những trụ sở gắn với công trình hiện hữu thì sẽ coi như một thiết bị để gắn vào công trình và coi như công trình đó sửa chữa cải tạo, không ảnh hưởng đến các kết cấu của công trình, kiến trúc, PCCC…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch toàn diện, thể hiện rõ vai trò của cơ quan nhà nước, tư nhân, người dân trong phát triển phương tiện xanh; cần xây dựng cơ chế đặc biệt liên ngành, xây dựng chương trình, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi xanh trong ngành giao thông. Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, rà soát chính sách và đề xuất cơ chế khuyến khích đối với các đối tượng nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, người sử dụng phương tiện sử dụng điện để kích cầu và tạo thói quen cho người dân; về lâu dài cần có chính sách liên quan đến đầu tư, quy hoạch, chính sách đất đai, thuế liên quan đến phát triển.

chinh-sach-phat-trien-phuong-tien-giao-thong-xanh-1-1722947154.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp với các Bộ, ngành về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện. (Ảnh VGP)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố, từ nay đến trước năm 2026 thì có hướng dẫn tạm thời về việc tính toán cho các trạm sạc sạc 2 nơi: trong đô thị, công cộng. Xem quy chuẩn thế nào, hướng dẫn kỹ thuật tạm thời có thể bố trí các trạm tập trung hoặc bố trí quỹ đất phối hợp với bên hạ tầng điện hạ tầng về giao thông, trong đó có liên kết trạm điện để có thể hướng dẫn cho chính quyền các địa phương có thể bố trí quy hoạch hướng dẫn tạm thời quy hoạch bố trí các trạm điện”./.

Bình Châu