Cụ thể, số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM mới công bố, Tổng sản phẩm GRDP quý I năm 2023 của Thành phố ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 5 Thành phố trực thuộc trung ương, tăng trưởng của TP.HCM thấp nhất, cũng như thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của thành phố) chỉ tăng 2,07%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung. Điều đáng nói, có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm gồm vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,7%), kinh doanh bất động sản (giảm 16,2%) và y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (giảm 4,82%).
Điểm sáng là 5/9 ngành dịch vụ còn lại có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất với 24,34% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%, làm giảm 0,91 điểm phần trăm. Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù tăng 2,06% nhưng cũng chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.
Khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo dự báo tình hình quý II so với quý I thì có 37,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 36,3% giữ ổn định và 26,3% khó khăn hơn. Trong đó, có 82,1% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý II/2023. Tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước là 77,5% và 70,9% tương ứng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 của TP.HCM ước đạt 85.714 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước. Như vậy đã có 3 tháng liên tiếp chỉ tiêu này giảm so với tháng trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Một trong những điểm sáng kinh tế của TP.HCM là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới có 216 dự án với vốn đăng ký đạt 133,2 triệu USD, tăng 30,0% về vốn so với cùng kỳ. Ngoài ra, điều chỉnh vốn đăng ký có 37 lượt dự án với số vốn tăng 87,1 triệu USD.
Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, tình hình xuất, nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn Thành phố gặp khó khăn dẫn đến nguồn thu từ khu vực xuất, nhập khẩu giảm 11,1% đã ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm đạt 124.796 tỷ đồng (giảm 1,5%) so với cùng kỳ./.