Sở Công Thương TP.HCM lý giải nguyên nhân chợ truyền thống, trung tâm thương mại ế ẩm

Tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM chiều 23/3, ông Lê Đình Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp Sở Công Thương TP.HCM lý giải những nguyên nhân khiến chợ truyền thống, trung tâm thương mại tại TP.HCM vắng khách thời gian qua.

Cụ thể, tại TP.HCM, trong khi nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán khác đã trở lại gần như trước dịch thì việc buôn bán ở chợ truyền thống cũng như các trung tâm thương mại vẫn trong tình trạng ế ẩm. 

Thậm chí, việc kinh doanh ế ẩm khiến hàng loạt mặt tiền lớn tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM như Quận 1, Quận 3, Quận 10… luôn trong trạng thái chờ khách thuê. Riêng với các chợ, dù mở cửa bình thường nhưng doanh thu giảm sút mạnh. 

Ông Hiếu cho biết, người dân vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên đã mua sắm nhiều, hơn nữa, các ứng dụng công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử phát triển... nên người dân chuyển dần sang hình thức mua hàng online. Người dân ít đến các trung tâm thương mại, chợ truyền thống cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực mà là một phần xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay. Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng, tình hình không đến mức trầm trọng lắm.

20220726-0853540-1333-1679585253.jpg

Sức mua tại các chợ truyền thống giảm mạnh. Ảnh minh họa

Lý giải cụ thể, ông Hiếu nói, hiện nay, tình hình kinh tế các nước đều gặp khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây có khủng hoảng ngân hàng và trái phiếu ở Mỹ. Trong khi đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Do vậy, giao thương giữa các nước có nhiều biến động, khó khăn và với Việt Nam, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng có phần suy giảm, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều lao động.

Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh suy giảm dẫn tới tình hình công nhân bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập cũng vơi đi. Vì vậy, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn, ưu tiên tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu.

Ngoài nguyên nhân nói trên, vị đại diện của Sở Công Thương TP.HCM còn chỉ ra, theo chu kỳ hiện nay là thời gian thấp điểm tiêu dùng của cả nước nói chung và thành phố nói riêng bởi người dân vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đã mua sắm khá nhiều.

Một lý do khác, là việc phát triển mạnh của các sàn thương mại điện tử cũng khiến người tiêu dùng đã chuyển qua mua hàng trực tuyến, qua đó ảnh hưởng đến sức mua tại các chợ và trung tâm thương mại./.

Theo một chủ sạp kinh doanh quần áo tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết, hiện mỗi ngày chỉ có vài khách ghé sạp của chị mua hàng, trong khi trước dịch là vài chục, thậm chí vài trăm.

Chung cảnh ngộ, gần 2.700 tiểu thương kinh doanh tại trung tâm thương mại An Đông Plazza cũng đang trong tình cảnh hàng bán chờ khách mua. Theo các tiểu thương An Đông Plazza, vào thời điểm trước dịch, An Đông Plaza có hàng nghìn lượt khách ghé mua sắm. 

Tuy vậy từ sau dịch khách mua đã giảm mạnh và tới nay số lượng chỉ 100-300 người một ngày. Khách giảm, kéo theo đó là doanh số các cửa hàng đều giảm 60-80%. Và hiện đang có khoảng 15-30% quầy sạp bán giày dép, áo quần, đồ lưu niệm tại trung tâm thương mại này đóng cửa.

Thi Nguyên (t/h)