Cụ thể, theo khảo sát, có 41,2% số DN bị thu hẹp thị trường, hơn 30% DN bị hàng tồn kho nhiều, 17,6% khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 40% số DN khó tiếp cận nguồn vốn, 43% chật vật vì lãi suất vay cao, thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian...
Riêng về lực lượng lao động, nhiều DN lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với một lượng lớn người lao động vì không có đơn hàng dự trữ.
Theo số liệu của khảo sát cho thấy, số DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng/người, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Nhìn nhận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Phạm Văn Đại cho rằng, không chỉ là câu chuyện lãi suất mà việc DN tiếp cận vốn vay vẫn tiếp tục khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có quy định về tài sản đảm bảo.
“Khả năng tiếp cận vốn tiếp tục là một khó khăn ở nhiều góc độ. Một DN sản xuất với phần lớn tài sản là máy móc thiết bị và hàng tồn kho… khả năng để được ngân hàng chấp thuận tài sản bảo đảm để được vay vốn rất hạn chế”, ông Đại chỉ ra.
Hiệp hội DN TP.HCM cũng nhận định, khó khăn của DN chưa dừng lại và ngày càng gay gắt hơn. Các DN đang đối mặt với ảnh hưởng của khủng hoảng Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến đơn hàng tiếp tục giảm mạnh, giá vật liệu gia công xuất khẩu tăng cao…
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cho vay quá cao nên DN hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.
Từ những khảo sát và nhận định này, Hiệp hội DN TP.HCM đã có một số kiến nghị gửi UBND TP.HCM, liên quan đến chính sách hỗ trợ vốn, thuế, cải cách hành chính, xúc tiến thương mại…