Tour nhặt rác gìn giữ màu xanh trên huyện đảo
Tạo chuyển biến tích cực kể từ năm 2022 khi huyện triển khai thí điểm và thực hiện hiệu quả Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175). Từ đó tới nay đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của người dân, góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường, cảnh quan trên địa bàn.
Với đặc thù là địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ, Phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh đến doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch, khách du lịch và cộng đồng. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị vận động 5 cơ sở lưu trú thực hiện thay thế toàn bộ chai nhựa đựng nước uống bằng chai thủy tinh dùng nhiều lần để đặt trong các phòng nghỉ.
Đặc biệt, một số cơ sở lưu trú đã sáng tạo một tour du lịch mới có tên “tour nhặt rác”, được nhiều du khách và người dân hưởng ứng, nhất là du khách nước ngoài. Người dân, du khách vừa thu gom rác ở các đảo và bờ biển, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo, vì thế “tour nhặt rác” đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách và nhận được sự hưởng ứng tích cực của những người làm du lịch trên huyện đảo Cô Tô.
Không chỉ ngành Du lịch, đến nay đa số các hộ dân đều chấp hành thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” và phân loại rác thải tại hộ gia đình. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, tiểu thương đã dần thay thế, sử dụng túi nilon sinh học trong các hoạt động kinh doanh. Trong đó, 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình “Nói không với rác thải nhựa” được phát động rộng rãi trong các cơ quan, tổ chức, như: Hội Phụ nữ với “Biến rác thành tiền”, “Hố ủ phân hữu cơ”; Hội Cựu chiến binh với CLB “Bảo vệ môi trường”, tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp; phong trào tổng vệ sinh thứ 5 hằng tuần…
Bà Nguyễn Thị Hòa, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho hay: Ngày 1/9/2022 huyện đảo Cô Tô đã thí điểm mô hình “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175). Căn cứ vào đó, xã Đồng Tiến đã tuyên truyền vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon... Vậy nhưng để người dân thay đổi thói quen cũng không thể ngày một ngày hai.
“Đối với rác hữu cơ thì tập trung về một nguồn sau đó công ty môi trường sẽ xử lý, còn rác vô cơ chúng tôi cho người dân tiến hành sơ chế thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ và biến rác thành tiền. Những chai vỏ nhựa, sẽ tập trung vào sau đó bán, giao cho Hội phụ nữ xã quản lý. Tiền bán rác thải nhựa đó sẽ đầu tư lại, hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao cuộc sống”, bà Hòa nói.
Chuyển biến trong nhận thức người dân về rác thải
Mùa hè đông khách du lịch, lượng rác thải cũng nhiều hơn nên mỗi tháng Hội phụ nữ xã Đồng Tiến thu được từ 5-6 triệu đồng từ rác thải nhựa. Không cần loa thông báo, hàng ngày chị em sẽ tự mang rác đến điểm thu gom. Còn theo lịch, 2 ngày cuối tuần các Chi hội sẽ cử người đi thu gom từng nhà rồi mang đến điểm tập kết. Những lúc rảnh rỗi, các hội viên bảo nhau ra bãi biển thu gom rác thải nhựa theo thủy triều đưa vào, vừa tăng thu nhập cho Quỹ, vừa làm sạch bãi biển.
Bà Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đồng Tiến cho biết, tuy số tiền thu được không nhiều nhưng hoạt động thu gom rác thải nhựa trên đảo lại có ý nghĩa vô cùng lớn... Hay như mô hình “Hố ủ phân hữu cơ” cũng mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần thay đổi thói quen của người dân.
“Mô hình hố ủ rác hữu cơ quy trình đơn giản. Rác hữu cơ ở địa phương không nhiều vì người dân đa phần làm nông nghiệp nên đều tận dụng cho chăn nuôi gà, lợn, ngan, còn nhà nào không chăn nuôi mới ủ. Chị em cũng ủng hộ, nhiều khi cũng muốn làm nhiều nhưng nhân lực không có. Gia đình mỗi người một việc, đi lấy rác nơi khác không có ai đi lấy, chị em chỉ tận dụng nguồn rác tại nhà để ủ”, bà Thương chia sẻ.
Chặng đường để huyện đảo Cô Tô không còn rác thải nhựa mới chỉ là bước đầu và trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Rất nhiều người có thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong khi các sản phẩm thay thế giá thành còn cao, ảnh hưởng đến người dân nhất là các tiểu thương ở chợ hay các cửa hàng.
Huyện đảo Cô Tô có diện tích đất nổi gần 47km2, xa đất liền và có khối lượng khá lớn rác tải nhựa trôi dạt trên biển được sóng đưa vào bờ. Rác thải nhựa không chỉ gây ra mất mỹ quan, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế du lịch mà còn tác động xấu đến hệ sinh thái biển. Mặt khác, nguồn kinh phí để thu gom rác thải nhựa đại dương cũng chưa có...
Ông Nguyễn Khuông Khá, cán bộ Địa chất và Môi trường, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) cho biết: Địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền và có những biện pháp cụ thể để hạn chế nguồn rác thải nhựa: “Hiện tại, huyện có nhiều biện pháp tích cực kiểm soát chặt từ nguồn cung ra ngoài Cô Tô. Phối hợp với các Công ty lữ hành, Công ty quản lý cảng dịch vụ Ao Tiên tuyên truyền ngay để du khách không mang túi nilon khó phân hủy, giảm thiểu rác thải túi nilon.
Chính quyền chỉ đạo cán bộ thôn khu, nêu gương trách nhiệm đảng viên, người đứng đầu địa phương trong việc hạn chế rác thải nhựa, đặc biệt Hội phụ nữ tích cực triển khai các mô hình biến rác thải thành tiền, ủ phân hữu cơ để tách bạch riêng phần rác thải nhựa để đơn vị thu gom xử lý hiệu quả hơn”./.