Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng lực lượng tình nguyện viên đã thu gom, xử lý gần 1 tấn rác thải nhựa dưới các rạn san hô trong khu bảo tồn biển.
Ngày 25/5, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết Ban quản lý vừa ra quân thực hiện chương trình lặn thu gom, xử lý rác thải đại dương và lặn bắt, tiêu diệt các sinh vật gây hại cho rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Đội thợ lặn Ban Quản lý Khu bảo tổn biển Lý Sơn, gồm: 4 người, đã lặn thu gom rác thải đại dương và tiêu diệt các sinh vật gây hại tại 3 bãi rạn san hô trong khu bảo tồn biển, với tổng chiều dài hơn 300m.
Đã có gần 120kg rác thải biển được thu gom, phần lớn là rác thải nhựa trong hoạt động khai thác thuỷ sản và rác thải nhựa sinh hoạt như vỏ chai nhựa, vỏ lon, và túi ni lông…
Đội thợ lặn cũng thu bắt, tiêu diệt và xử lý nhiều tác nhân gây hại cho rạn san hô như: ốc gai, ốc sứ, sao biển gai….
Theo ông Dũng, hoạt động lặn thu gom, xử lý rác thải đại dương và lặn bắt, tiêu diệt các sinh vật gây hại cho rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ được duy trì thường xuyên, nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.
“Trong tuần tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này, đặc biệt là tiêu diệt nhiều tác nhân gây hại cho rạn san hô và kết hợp tuyên truyền đến người dân chung tay bảo về vệ môi trường, hệ sinh thái biển, không vức rác xuống biển, nhất là rác thải nhựa, nhằm góp phần tái tạo hệ sinh thái biển, tăng độ đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn”, ông Dũng nói.
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cùng lực lượng tình nguyện viên đã thu gom, xử lý gần 1 tấn rác thải nhựa ven bờ biển và rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Khu bảo tồn biển Lý Sơn có tổng diện tích mặt nước trên 7.000 ha với 3 phân khu chức năng.
Nhiều năm trước, vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao, với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển với trên 700 loại động thực vật biển được xác định. Tuy nhiên, tình trạng khai thác tận diệt trong thời gian dài nên độ đa dạng sinh học ở vùng biển này bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng./.