Chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam.
rac-thai-nhuak-1709137322.jpg
Chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Ảnh minh họa

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8- 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11- 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.

Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường

Đánh giá về thực trạng rác thải nhựa, tại diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”, ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là vấn đề của toàn cầu. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.

rac-thai-nhua-1-1709137323.jpg
Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”. Ảnh Hoàng Vân

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Còn theo Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng: Hiện vật dụng bằng nhựa xuất hiện nhiều trong đời sống con người, gây ra lượng rác thải nhựa rất lớn, tác động không nhỏ đến môi trường sống của con người cũng như các sinh vật trên trái đất. Vì vậy để hạn chế rác thải nhựa, cần làm tốt việc phân loại rác tại nguồn là khâu quan trọng nhất. Qua đó, việc xử lý rác thải được thuận lợi và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Các ban ngành chức năng cần ban hành quy chuẩn an toàn trong sản xuất nhựa tái chế, vì hiện nay quy chuẩn an toàn chủ yếu được các nhà sản xuất tham khảo của nước ngoài. Việc ban hành quy chuẩn đối với việc tái chế nhựa sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Từ đó, tại diễn đàn, các chuyên gia đều nhất trí để hạn chế và giảm thiểu rác thải nhựa, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần nhằm hạn chế xả ra môi trường, góp phần bảo vệ đại dương; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Bên cạnh đó,  Chính phủ cần bám sát thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp để chống rác thải nhựa hiệu quả. Đặc biệt, cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa./.

Đông Nghi