Con tôm giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu thủy sản
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn trong đơn hàng xuất khẩu, “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Ước đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD, vượt 1,2% kế hoạch, tăng 5,2% so năm 2023. Trong đó, tôm được xác định là ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu của tỉnh Cà Mau. Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2025, tỉnh Cà Mau đã xây dựng và thực hiện một loạt chiến lược phát triển ngành tôm: đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào các mô hình nuôi tôm sinh thái; nâng cao chất lượng, sản lượng tôm để từ đó xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản với hơn 280.000ha, cùng với bờ biển dài 256km, với nhiều loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp với tôm - lúa, tôm - rừng, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm trên 230.000 tấn, riêng kế hoạch năm 2024 là 243.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1,1 tỷ USD.
Mặc dù vậy, trong thời gian dài, ngành tôm của Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu giảm sâu và kéo dài. Thời gian gần đây, giá tôm đã tăng trở lại, xem như tín hiệu khởi sắc thúc đẩy cho ngành tôm tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2024.
Sở Công thương Cà Mau đánh giá, nguyên nhân xuất khẩu tôm tăng trưởng là do nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của các nước có sự cải thiện tích cực, nhất là các thị trường chính của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật...
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của thế giới là sử dụng nhiều sản phẩm thủy sản hơn thay vì thịt gia súc, gia cầm truyền thống; Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia ký kết mang lại nhiều cơ hội, lợi thế (nhất là về thuế quan); Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu được tỉnh quan tâm, tổ chức hiệu quả góp phần tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Những trăn trở tìm hướng phát triển bền vững ngành tôm
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Văn Tâm - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Cà Mau cho rằng, thị trường xuất khẩu tôm năm 2024 khả quan hơn năm 2023, thực tế sản lượng xuất khẩu của Minh Phú tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại thấp. Nguyên nhân đến từ thiếu nguồn tôm nguyên liệu, chi phí logistics tăng đột biến, trong khi giá xuất khẩu không tăng.
"Năm qua, nguồn tôm nguyên liệu ít, trong khi nhu cầu cao nên giá tôm nguyên liệu tăng cao, có thời điểm tăng khoảng 150% so với thời điểm đầu năm. Lượng tôm xuất khẩu thì vẫn rất tốt nhưng hiệu quả thì không được tốt. Do chiến tranh thế giới, có những thời điểm giá vận tải qua Mỹ, Châu Âu tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Tuy khó khăn vậy, nhưng giá xuất khẩu tôm thế giới vẫn thấp, do người tiêu dùng ảnh hưởng chiến sự phải thắt lưng buộc bụng", ông Tam nêu rõ.
Theo Sở Công thương Cà Mau, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau năm nay tăng trưởng khá là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn có những điểm nghẽn cần tháo gỡ để đảm bảo phát triển bền vững.
Bên cạnh vấn đề chi phí logistics đã được các chuyên gia đầu ngành đánh giá là 1 trong những thách thức lớn cho xuất khẩu thời gian tới, thì cũng còn nhiều vấn đề nội tại trong sản xuất và chế biến tôm của tỉnh cần khắc phục, như: Hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng còn thiếu và không đồng bộ; Chất lượng giống còn thấp; Công nghiệp chế biến tuy có cải tiến nhưng còn thấp so với 1 số nước; Sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn phát thải thấp là xu thế nhưng trong ngành tôm mới chỉ ở sơ khai.
"Chuỗi liên kết sản xuất cũng còn lỏng lẻo; Chưa chủ động sản xuất nguồn thức ăn tôm trong nước. Chính điều này đã làm cho chi phí nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao, dẫn đến giá thành xuất khẩu kém cạnh tranh hơn so với một số nước. Để xuất khẩu tôm của Cà Mau tăng trưởng nhanh và bền vững hơn thì các ngành chức năng, các địa phương, cùng với các doanh nghiệp sản xuất chế biến, các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản của tỉnh phải đồng hành, chung tay tháo gỡ ngay điểm nghẽn thuộc về nội tại trong sản xuất và chế biến ngành tôm Cà Mau", đại diện Sở Công thương cho biết thêm.
Theo một số doanh nghiệp tại Cà Mau, bên cạnh giá thành sản xuất tôm khó cạnh tranh thì chất lượng nguồn nguyên liệu tôm phục vụ xuất khẩu cũng chưa đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, gây rủi ro cho doanh nghiệp. Trong khi tiêu chuẩn chất lượng của thị trường thế giới ngày càng nâng cao, thì sản xuất tôm cũng cần thay đổi để đáp ứng chất lượng xuất khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi về cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nước ta đã tham gia, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở vùng ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng vẫn đang đối diện khó khăn về thiếu nguyên liệu, chất lượng nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo và giá thành sản phẩm cao. Vấn đề này cần được tháo gỡ để xuất khẩu thủy sản phát triển bền vững thời gian tới./.