Cả nước đã có trên 5.000 tổ khuyến nông cộng động tại 57 tỉnh, thành phố
Chỉ sau 2 năm được triển khai, cả nước đã có trên 5.000 tổ khuyến nông cộng đồng tại 57 tỉnh, thành phố. Đội ngũ khuyến nông cộng đồng đang đồng hành cùng nông dân kết nối sản xuất với thị trường và doanh nghiệp.
Đây là kết quả được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu bật tại “Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” được tổ chức ngày 2/8, tại Thành phố Pleiku - tỉnh Gia Lai.
2 năm qua, hệ thống trên 5.000 tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp và tổ chức hàng trăm lớp tập huấn phát triển vùng nguyên liệu, gắn với thực hiện 14 dự án khuyến nông. Qua đó, giúp phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng xuất khẩu cho 500 hecta lúa, 300 hecta cây ăn quả, 150 hecta cà phê tại nhiều tỉnh, thành phố.
“Nhờ có tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã được hỗ trợ hoạch định lại, nông dân tiếp cận tốt với thông tin yêu cầu của khách hàng. Bà con thấy bắt buộc phải thay đổi canh tác để đáp ứng tiêu chuẩn, từ đó giúp sản xuất hiệu quả hơn", ông Lê Hữu Anh, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết.
Cũng trong 2 năm qua, đội ngũ khuyến nông cộng đồng đã giúp kết nối tiêu thụ 5 tấn dứa, 100 tấn chanh leo tại các tỉnh miền núi phía bắc; giúp tiêu thụ sản phẩm của 120 hecta sầu riêng ở Đồng Tháp Mười; tiêu thụ sản phẩm hàng trăm hecta cà phê 4C, hữu cơ ở khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó, hệ thống khuyến nông cộng đồng các tỉnh còn tổ chức 46 cuộc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 2.100 nông dân vùng nguyên liệu lúa gạo; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh miền trung.
Đội ngũ khuyến nông cộng đồng cần kết nối giữa doanh nghiệp và hợp tác xã
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp thông tin: Để triển khai đề án, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo thành lập điểm 2 tổ KNCĐ tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) và xã Ia Hrung (huyện Chư Ia Grai).
Đến nay, các tổ KNCĐ đã có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, đặc biệt là đã có những hoạt động phối hợp với các đơn vị chức năng để chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các hộ nông dân. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp trong hỗ trợ đầu vào cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao sự sáng tạo, nỗ lực của đội ngũ khuyến nông cộng đồng các tỉnh. Đồng thời, đề nghị các tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực, kiện toàn hệ thống khuyến nông cộng đồng để đáp ứng tốt nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
“Đối với cán bộ khuyến nông, không những chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhiệm vụ thứ hai là kết nối giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, đảm bảo đầu vào đầu ra sản phẩm, tiếp cận thị trường. Cán bộ khuyến nông thể hiện rõ vai trò công tác xã hội, công tác cộng đồng; tham gia giám sát chất lượng sản phẩm, tham gia tổ tư vấn tín dụng ở cơ sở. Bộ sẽ xây dựng các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ này", Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu./.