Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người chăn nuôi

Tại các tỉnh Đông Nam Bộ - vùng chăn nuôi quy mô nhất cả nước, những khó khăn còn nhiều khi chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế; cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong buổi tiếp xúc giữa đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Hiệp hội chăn nuôi vào cuối tuần qua, nhiều giải pháp đã được vạch ra để gỡ khó.

Cụ thể: Ngày 09/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến và lãnh đạo Cục chăn nuôi đã có buổi làm việc với Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai. Trong buổi làm việc, các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phản ánh những khó khăn ngành chăn nuôi đang đối mặt như: Giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất trong khi chi phí đầu vào cao; chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài; câu chuyện khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi xuất ngân hàng tăng…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét, Đồng Nai là tỉnh có quy mô chăn rất nuôi lớn. Khó khăn của ngành chăn nuôi do nhiều nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ chậm. Tuy nhiên từ cuối tháng 2, tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã tăng lên và dự báo trong quý II sẽ có bước tăng trưởng nhanh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi phải đi vào ngành hàng kỹ thuật tuần hoàn như đầu tư cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường... Ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Bình thường, một trang trại chăn nuôi khoảng 10 ha sẽ nuôi được 160.000 con gia cầm các loại, nhưng ở thời điểm này, toàn bộ diện tích đã bỏ không. Theo chủ trang trại chia sẻ, giá gà bán ngoài thị trường chỉ quanh quẩn ở mức 20.000 đồng/kg. Trong khi giá thức ăn, nhân công, nguyên, vật liệu, chi phí vận hành đều ở mức cao, đặc biệt sức mua giảm.

images3090499-1nm-1678724067.jpg

Ảnh minh họa.

Chuồng trại bỏ không, nhưng anh Hùng (Quản lý trại chăn nuôi Nguyễn Văn Ngọc) vẫn cho duy trì sửa sang, khử khuẩn phòng dịch bệnh, để khi có đơn đặt hàng là bắt tay vào tái đàn ngay. "Tiền công nhân, chi phí hao hụt. Tính ra, một ngày tính lỗ cho một chuồng khoảng 2 triệu. Giờ chỉ mong giá cả tăng, giá cám ổn định", anh Nguyễn Xuân Hùng, Quản lý trại chăn nuôi Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ.

Không chỉ gia cầm, mặt hàng thịt lợn cũng đang gặp khó khi giá thịt hơi đã xuống dưới 50.000 đồng/kg. Thận trọng tái đàn và tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất đang được các cơ sở chăn nuôi áp dụng để duy trì. "Cũng đang tìm cách tháo gỡ, giảm đàn xuống để trông chờ, hy vọng thời gian tới, giá có thể lên thì bù lỗ lại được phần nào", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết.

"Giảm tiền điện nước một cách tối ưu, chi phí về nhân công..., những chi phí nào giảm thiểu mà không ảnh hưởng đến chăn nuôi sản xuất, không tạo nên giá thành nhưng phải đảm bảo thì công ty sẽ bóp nhặt những chi phí đó", bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Hương Vĩnh Cửu cho hay.

Làm việc với các cơ sở chăn nuôi, đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi khi thị trường tiêu thụ chậm. Bộ cũng chỉ ra những giải pháp ngành cần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, chăn nuôi phải đi vào ngành hàng kỹ thuật tuần hoàn. "Quan trọng nhất là an toàn thực phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi với các doanh nghiệp FDI, gắn với chuỗi phân phối, phục vụ ngay thị trường trong nước", Thứ trưởng cho hay.

Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ tập trung xúc tiến thương mại, tìm các thị trường mới, đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Dự báo sang đầu quý II, tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ có bước tăng trưởng trở lại.

Thi Nguyên (t/h)