Hưng Yên: Nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ

Những năm gần đây, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi hình thức từ chăn nuôi công nghiệp sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Điều này không chỉ góp phần cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp hạn chế dịch bệnh, giảm rủi ro trong sản xuất.
hh-1677569367.jpg
Ông Bùi Văn Tỉnh, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) sản xuất cám phục vụ chăn nuôi

 Hơn 5 năm nay, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Bùi Văn Tỉnh, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) sử dụng thức ăn tự phối trộn kết hợp với thức ăn công nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn vật nuôi. Thành phần thức ăn tự phối trộn gồm: Khô đậu, cám gạo, ngô, bột cá... để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn. Nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát kỹ, bảo đảm chất lượng trước khi phối trộn.

Ông Tỉnh cho biết: Trước 2 tháng xuất bán, gia đình tôi sử dụng thức ăn tự phối trộn để chất lượng thịt mỡ giòn, nạc mềm và ngọt hơn. Cùng với đó, gia đình tôi cũng chú ý khâu vệ sinh môi trường chăn nuôi. Chuồng trại được phun khử trùng ít nhất 3 lần/tuần. Mặc dù giá bán chỉ cao hơn khoảng 10% so với lợn nuôi công nghiệp nhưng trang trại lợn của gia đình tôi luôn được thương lái đặt mua vì chất lượng thịt thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao.

Năm 2022, bà Nguyễn Thị Dự, thôn Ân Thi 1, xã Hồng Quang (Ân Thi) nuôi 800 con gà Đông Tảo lai theo hướng hữu cơ. Theo đó, gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học, sử dụng thức ăn phối trộn từ cám gạo, ngô nghiền, bột đậu tương, bột cá. Gà được tiêm đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh theo độ tuổi. Bà Dự cho biết: Chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp gà phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ sống sau hơn 4 tháng nuôi đạt gần 94%, trọng lượng đạt trên 2 kg/con, thu lãi từ 30 đến 50 nghìn đồng/con, cao hơn từ 10 đến 20 nghìn đồng/con so với nuôi theo hình thức công nghiệp. Ngoài ra, gà nuôi theo hướng hữu cơ được khách hàng đón nhận và đặt hàng từ sớm. Năm nay, gia đình tôi có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hữu cơ lên trên 1 nghìn con gà Đông Tảo lai để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, quy trình chăn nuôi hữu cơ phức tạp, thời gian nuôi kéo dài, chi phí cao nên trên địa bàn tỉnh hiện chưa có trang trại đạt tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ. Tuy nhiên, một số trang trại đang dần hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng này. Mục tiêu cuối cùng của các trang trại, hộ chăn nuôi là tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng chăn nuôi mới an toàn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, đặc biệt  khi dịch bệnh  luôn có nguy cơ xâm nhập đàn gia súc, gia cầm và lây lan trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn do người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Vì vậy, nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ vẫn chưa được đón nhận tương xứng với giá trị; chưa xây dựng được chuỗi tiêu thụ sản phẩm hữu cơ…

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chăn nuôi theo hướng hữu cơ là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Hình thức chăn nuôi khép kín, tự chủ từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm không chỉ giúp người chăn nuôi kiểm soát được chất lượng con giống, dịch bệnh, không phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường mà còn thuận lợi trong việc tiêu thụ.

Hiện nay, Ban quản lý các dự án phát triển chăn nuôi tỉnh đang triển khai các đề án, dự án chăn nuôi với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng và đánh giá chứng nhận từ 50 đến 70 trang trại, cơ sở chăn nuôi/năm đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, Vietgap. Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hữu cơ của tỉnh phát triển./.

Kim Minh