Nhu cầu tài chính của doanh nghiệp cần để chuyển đổi xanh tăng cao
Để phát triển xanh, doanh nghiệp sẽ phải tăng nhiều chi phí kéo theo lợi nhuận có nguy cơ giảm, trong khi đó, nhu cầu tài chính của doanh nghiệp cần để chuyển đổi xanh tăng cao. Mặc dù vậy, khi đi vay vốn, các tổ chức tín dụng thường hỏi: Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?
Các ngân hàng có hướng đến cho vay vốn phát triển xanh, tuy nhiên, giữa các yêu cầu của ngân hàng nhiều khi không trùng khớp với mục tiêu hướng đến phát triển xanh của doanh nghiệp nên cuối cùng vẫn không được giải ngân.
Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội lý giải, rào cản cho nguồn tài chính xanh hiện nay phần lớn nằm ở cơ chế chính sách. Cụ thể, khung pháp lý còn chung chung, tiêu chí phân loại xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng vẫn chưa rõ ràng, danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, tiêu chí chưa thống nhất, cơ chế ưu đãi về thuế phí với các sản phẩm tài chính xanh chưa hoàn thiện, khung pháp lý hiện nay gần như chưa có, các hoạt động chủ yếu mang tính tự phát.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra các cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở, vì đây là xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu-trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh đã dần được hoàn thiện. Hơn nữa, chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra yêu cầu nguồn vốn rất lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh. Trên thực tế, cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều lĩnh vực hơn đối với năng lượng tái tạo, quản lý chất thải đồng thời phát triển nông nghiệp xanh và vận tải carbon thấp…
Tuy nhiên, tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số thách thức đối với nền tài chính xanh. Cụ thể, thị trường vẫn chưa có các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể (bao gồm cả sản phẩm tín dụng xanh và chứng khoán xanh). Về hành lang pháp lý mặc dù khá hoàn thiện, song xét về tổng thể lại thiếu nhất quán, nhất là các quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…
Một yếu tố quan trọng khác được ông Cấn Văn Lực đề cập là việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội đang gặp nhiều khó khăn, do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam rất khá hạn chế. Hiện nay, các cấp quản lý thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (như ưu đãi thuế-phí, hạn mức tín dụng, lãi suất…).
Ông Cấn Văn Lực phân tích các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm) với chi phí đầu tư khá lớn. Trong khi, các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. Thêm vào đó, nhận thức của các nhà đầu tư thị trường chứng khoán đối với ESG (Môi trường, xã hội và quản trị), tài chính xanh và bền vững chưa cao và đồng đều. Đến thời điểm này, nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Do đó, việc phát hành cổ phiếu xanh trên thị trường hầu như chưa có.
Đến nay, tổng dư nợ tín dụng xanh mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ của nền kinh tế
Theo TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, NHNN đã có thông tư về phát triển tín dụng xanh từ năm 2015. Mặc dù đã nhận thức được về chính sách, quan điểm về tài chính xanh ở nước ta đã kéo dài gần chục năm nay nhưng để triển khai vẫn còn một số điểm nghẽn.
"Ở các nước trên thế giới, khi đưa ra chính sách về chuyển đổi xanh thì việc đầu tiên là đưa ra tiêu chí xanh làm nền tảng. Nước ta làm trước nhưng tiêu chí thì nghiên cứu sau, đó là điểm nghẽn. Đưa chính sách nêu lên thì dễ nhưng để phù hợp với điều kiện của Việt Nam để xây dựng trong từng mảng thì phải có quá trình nghiên cứu vì có những điều kiện của ta khác họ", TS. Trần Du Lịch chỉ rõ.
Đến nay, tổng dư nợ tín dụng xanh mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, gần 40% khoản tín dụng này cung cấp cho năng lượng tái tạo, hơn 30% cho nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, NHNN tiên phong trong sự phát triển của tín dụng xanh bằng các cơ chế chính sách, có 3 nhóm chính sách với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực từ vốn nước ngoài.
"Bình thường nguồn vốn nước ngoài có ưu điểm là trung dài hạn, có thể là lãi suất hợp lý nữa nhưng cũng có nhiều điều kiện ràng buộc. Trong bối cảnh cần khai thác tốt các nguồn vốn thì tôi nghĩ tận dụng nguồn vốn từ các định chế tài chính rất tốt. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn vốn nội lực đó là vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại", ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, hiện nay, các ngân hàng đã và đang đón đầu trong xu hướng phát triển xanh. Mặc dù bộ tiêu chí, khung pháp lý về tín dụng xanh chưa hoàn thiện nhưng vẫn có trường hợp các ngân hàng vẫn đánh giá hiệu quả và đã triển khai cho vay một số gói tín dụng xanh.
Tuy vậy, để phát triển lâu dài, vẫn cần có hệ thống tiêu chí sẽ làm minh bạch thị trường, giảm tối đa mức độ rủi ro, mở rộng tăng trưởng tín dụng. Khi có đầy đủ khung pháp lý, NHTM mới có thể đánh giá chính xác các dự án, hạn chế rủi ro. Bởi vậy, chính phủ đang từng bước hoàn thiện chính sách.
"Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Thông tư 17 về hướng dẫn quản trị rủi ro môi trường trong các hoạt động tín dụng xanh. Hiện nay, gần như 100% các tổ TCTD đã xây dựng quy trình nội bộ về tín dụng xanh rồi. Và đã có 17 tổ chức tín dụng đã thành lập bộ phận chuyên môn, có con người chuyên quản lý về rủi ro tín dụng xanh", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm.
Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh, Việt Nam cần thực hiện ba nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính.
Thứ nhất là nhóm tín dụng xanh. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.
Thứ hai là nhóm trái phiếu xanh, các cấp quản lý cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần có sách ưu đãi khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh, bởi khi mức thuế đánh trên các công cụ nợ cao hơn có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu.
Thứ ba là xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050.
TS Trần Du Lịch nhận định, trong thời đại số, không có thị trường theo kiểu nhà nước đứng ngoài mà chỉ có chủ thể là doanh nghiệp, nhà nước với các vai trò khác nhau, nước ta cũng phải sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách: "Phía ngân hàng tuy có nỗ lực nhưng để tạo được hành lang pháp lý và hệ thống an toàn cho cả đối tượng vay, tổ chức tín dụng,… và những hỗ trợ nhà nước trong từng mảng một thì cần có một hệ thống chính sách đồng bộ hơn nữa như các nước đã làm. Chúng ta không thể làm rời rạc như hiện nay"./.