Xây dựng bộ tiêu chí xanh để gỡ nút thắt về tín dụng xanh

Những năm gần đây, tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, thế nhưng, theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dư nợ tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn so với tổng dư nợ toàn hệ thống cũng như yêu cầu về chuyển đổi xanh.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Chỉ riêng trong 2 năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài "đổ" vào Việt Nam, phần lớn trong đó là dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải.

Bên cạnh đó, phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, tron gđó lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, được thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050". Trong đó, hoạt động tín dụng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của Chiến lược này.

Tín dụng xanh cũng là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho các ngân hàng những năm vừa qua. Theo đó, NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

dien-gio-3-1-1687858853.jpg
Ngân hàng, các tổ chức thanh toán và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các giao dịch xanh, thân thiện môi trường. Ảnh minh họa

Số liệu gần đây nhất từ NHNN cho thấy, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới.

Hiện, ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay xanh. Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với 12 dự án xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2015 đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).

Những cái tên được gắn nhiều với tín dụng xanh có thể kể đến như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, HDBank, SHB, Nam A Bank, TPBank, OCB... Không chỉ đơn thuần là cấp tín dụng xanh mà một số ngân hàng gắn tính "xanh" vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn của mình, qua đó tạo được dấu ấn rõ nét hơn trên thị trường.

Mới đây, VietCapital Bank ra mắt gói vay “Tín dụng xanh”, áp dụng cho các hoạt động như nuôi trồng có ứng dụng công nghệ hoặc mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Người vay bổ sung vốn mua máy móc, dây chuyền sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng điện mặt trời, máy móc hỗ trợ tạo ra năng lượng tái tạo... cũng sẽ nhận ưu đãi lãi vay từ 8,9%/năm.

Chia sẻ về tín dụng xanh toạ đàm "Net Zero - Lợi thế người dẫn đầu" với chủ đề "Đòn bẩy chính sách" vừa qua, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Cùng với nguồn lực của nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh. Thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng cũng như NHNN đã xây dựng các chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đặc biệt trong quá trình điều hành NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh. "Năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Song ở thời điểm hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng – chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, cũng như đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%", bà Giang thông tin.

Song Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thừa nhận hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh (mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành). Hiện, Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ có hữu ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng thì đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.

Đông Nghi