Tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM có mức tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước tăng cao nhất trong 4 năm gần đây. Tuy nhiên, dù tổng thu ngân sách vượt dự toán nhưng tình hình giải ngân vốn của thành phố khá thấp, chỉ đạt 3.013 tỉ đồng, đạt 7% dự toán.

Mức thu ngân sách nhà nước tăng cao

 Ngày 26/4 vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2022. 

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 95.612 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 360.002 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,9%). Tuy vậy, mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp dần và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương khi tình hình dịch trong nước cũng như thành phố đã ổn định, các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy hiệu quả.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 4 tháng đầu năm ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,8%).

Điểm nổi bật trong 4 tháng đầu năm là mức thu ngân sách nhà nước. Theo Sở Tài chính Thành phố, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 168.177 tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán năm và tăng 13,87% so với cùng kỳ. Giám đốc Sở Tài chính thành phố Phạm Thị Hồng Hà cho biết, mức tăng trưởng thu ngân sách nhà nước trên là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.

tp-ho-chi-minh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tang-gan-9-1651047703.jpeg
Tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM. Ảnh minh hoạ

Giải ngân vốn còn chậm

Bên cạnh đó, trong phiên họp, đại diện Kho bạc nhà nước TP.HCM báo cáo tổng thu ngân sách Thành phố vượt dự toán nhưng tình hình giải ngân vốn của thành phố khá thấp. Ước tổng chi ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm là 16.252 tỉ đồng, đạt 16,31% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, chi đầu tư chỉ đạt 3.013 tỉ đồng, đạt 7% dự toán, bằng 53% so cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân này được đánh giá là thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Trong 75 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn thì có 60 đơn vị giải ngân dưới 8%, trong đó có 49 đơn vị giải ngân bằng 0.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, việc giải ngân vốn đầu tư công ở mức chậm như hiện nay là "rất đáng lo". Để tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông nhấn mạnh từ tháng 4 sẽ có họp hàng tháng báo cáo tình hình giải ngân vốn, tháo gỡ vướng mắc. Ông cũng yêu cầu các sở ngành chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư trong việc đề xuất xin vốn. Đồng thời ông cho biết, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM vào giữa năm nay sẽ có điều chỉnh về kế hoạch đầu tư công 2022, kế hoạch trung hạn đến 2025, từng bước chuẩn bị cho kế hoạch nới rộng đầu tư công.

Trước đó, trong báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu, lũy kế giải ngân các nguồn vốn ODA và đối ứng của các dự án chưa cao do đang thực hiện các thủ tục về giao kế hoạch vốn hằng năm, một số dự án đang thực hiện công tác điều chỉnh dự án, đàm phán ký kết các phụ lục hợp đồng với nhà thầu.

Theo UBND TP.HCM, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 là nguyên nhân chính khiến các hoạt động thi công xây lắp, tư vấn, mua sắm - vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị, vật liệu xây dựng của các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Mặt khác, một số vướng mắc trong các quy định liên quan đến vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài, việc chậm triển khai các công tác chuẩn bị thực hiện dự án như chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế chi tiết, đấu thầu... dẫn đến việc giản ngân vốn đầu tư trong các đơn vị chậm.

Phương Ly (t/h)