Tiêu dùng xanh ngày 16/8: Cà phê trong nước dao động trong khoảng 48.500 - 49.000 đồng/kg

Ghi nhận thông tin tiêu dùng xanh ngày 16/8 cho thấy, giá cà phê trong nước dao động trong khoảng 48.500 - 49.000 đồng/kg, đi ngang so với phiên hôm qua.

Giá cà phê trong nước hôm nay 16/8 

Ở thị trường trong nước, tại các tỉnh Tây Nguyên, giá thu mua cà phê ở tỉnh Lâm Đồng ở mức 48.500 đồng/kg; tỉnh Đắk Lắk cà phê được thu mua với giá 48.900 – 49.000 đồng/kg; giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức là 48.800 – 48.900 đồng/kg.

Ở Kon Tum, cà phê được thu mua với mức 48.900 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước đã duy trì đà tăng liên tục từ đầu tháng 8/2022 đến nay. Mức giá cà phê vượt mốc 49.000 đồng hiện đang là mức giá cao nhất trong 7 tháng qua đối với dòng cà phê Robusta và là mức giá đỉnh của cà phê chè Arabica trong hơn 1,5 tháng qua.

cf-1642295305-1660610798.jpg
Tiêu dùng xanh ngày 16/8: Cà phê trong nước dao động trong khoảng 48.500 - 49.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ.

Biến động giá cà phê thế giới

Giá cà phê Robusta kéo dài đà tăng liên tiếp, dù phiên đầu tuần chỉ điều chỉnh tăng nhẹ. Biểu đồ kỹ thuật cho thấy, giá Robusta đã liên tiếp phá các mức kháng cự kỹ thuật mà không gặp chút lực cản nào. Trong 1 tuần giao dịch robusta đã tăng gần 11% từ mức 2033 tới mức đỉnh cao nhất trong 7 tháng qua là 2256.

Tồn kho Robusta đạt chuẩn sàn ICE London tiếp tục ghi nhận mức thấp mới trong ngày 10/8 khi đạt mốc 97.970 tấn. Một yếu tố khác cũng hỗ trợ đà tăng giá mạnh mẽ của Robusta trong các phiên vừa qua là lực mua mạnh của giới đầu cơ để chuẩn bị chuyển tháng kỳ hạn sắp tới.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica tiếp tục được hỗ trợ đà tăng mạnh mẽ bởi cả yếu tố tiền tệ và thông tin vĩ mô. Niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng so với tháng trước làm xoa dịu nỗi lo về lạm phát của Mỹ và dự đoán Fed sẽ mềm mỏng hơn trong các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới.

Góp phần vào chuỗi tăng hiếm thấy là báo cáo tồn kho cà phê Arabica do ICE quản lý đã giảm xuống mức thấp 23 năm, trong khi thương nhân xuất khẩu tại Việt Nam phải lùng hàng với giá cao để có hàng giao cho các hợp đồng ký mới. Trong khi đó, đà giảm mức tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn ICE chưa có dấu hiệu dừng lại. Thời tiết khô hanh ở các vùng trồng cà phê trong tuần qua cũng là 1 tâm điểm của thị trường và cũng là yếu tố giúp các quỹ đầu cơ tăng mua mạnh bên cạnh việc chuẩn bị chuyển tháng kỳ hạn sắp tới.

Phân tích kỹ thuật, các chuyên gia dự báo, tín hiệu động lượng tăng vẫn còn với mức kháng cự tiếp theo là 230, vượt được mức đó sẽ rộng cửa tăng tiếp tới mức kháng cự 240. Ngược lại 210 là mức hỗ trợ quan trọng của giá Arabica, vượt mức đó sẽ kích hoạt lực bán mạnh của phe đi xuống.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần (ngày 15/8), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng nhẹ, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 4 USD (0,18%), giao dịch tại 2.256 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 4 USD (0,18%), giao dịch tại 2.265 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 đảo chiều giảm 1,1 Cent (0,49%), giao dịch tại 225,5 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 2,85 Cent/lb (0,38%), giao dịch tại 221,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Nổi bật trong tuần qua là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 (CPI) của Mỹ ở mức 8,5%, giảm từ mức 9,1% của tháng trước đã cho thấy kết quả chống lạm phát đã có kết quả tích cực, đã dẫn tới thị trường tăng cược vào khả năng Fed chỉ tăng lãi suất cơ bản ở mức 0,5% tại kỳ họp sắp tới vào tháng 9, đã hỗ trợ các tài sản rủi ro như các tiền tệ mới nổi và hàng hóa gia tăng sức mạnh.,

Ở diễn biến khác, các Quỹ và đầu cơ có vẻ vẫn muốn mua mạnh cho dù đáo hạn hợp đồng quyền chọn tháng 9 đã cận kề và nhất là chỉ báo kỹ thuật cho thấy các thị trường đã vào vùng “quá mua”.

Thị trường cũng xuất hiện tin đồn được cho là của nông dân trồng cà phê Brazil đã lên tiếng cho rằng sản lượng vụ mùa năm nay không đạt như kỳ vọng, cho dù là năm cho sản lượng cao theo chu kỳ Hai năm một.

Từ cuối tháng 7 đến nay giá cà phê liên tục tăng cao. Tính đến phiên giao dịch ngày 15/8, giá cà phê trong nước đã tăng vọt lên mức 48.500 – 49.000 đồng/kg, tăng mạnh 11 – 12% (tương ứng gần 6.000 đồng/kg) so với cuối tháng trước.

Mức giá này vượt xa mức kỳ vọng 45.000 đồng/kg của các chuyên gia cũng như tiến sát đến mức 50.000 đồng/kg, mức cao lịch sử đạt được vào năm 2011. Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung vào thời điểm cuối vụ không còn nhiều được cho là nguyên nhận chính đẩy giá cà phê tăng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 113.852 tấn, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu cà phê của nước ta đạt cao nhất trong 4 năm qua với hơn 1,1 triệu tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn đều tăng trong 7 tháng đầu năm nay do nhu cầu tiêu dùng cà phê của các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn và chi phí logistic tăng cao.

Anh Vân (t/h)