Tiêu dùng xanh ngày 12/8: Giá cà phê tăng mạnh, trong nước vượt mốc 48.000 đồng/kg

Ghi nhận về thông tin tiêu dùng xanh ngày 12/8 cho thấy, giá cà phê trong nước dao động trong khoảng 47.800 - 48.300 đồng/kg. Đồng USD suy yếu, tồn kho thấp, xuất khẩu Brazil giảm trong tháng 7 cùng với thông tin thời tiết không thuận lợi ở những vùng trồng Arabica đang giúp thị trường cà phê thế giới có chuỗi tăng điểm ấn tượng.

Giá cà phê trong nước hôm nay 12/8

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 47.800 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 48.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 48.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 48.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 48.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 48.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 48.100 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 48.200 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay tiếp tục tăng mạnh so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

2ac708ef-10e5-42ef-8f45-11b4b98cf3a5-1660265256.jpg
Tiêu dùng xanh ngày 12/8: Giá cà phê tăng rất mạnh, trong nước vượt 48.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ.

Biến động giá cà phê thế giới

Giá cà phê kỳ hạn bật tăng mạnh mẽ do có thêm sự hỗ trợ của yếu tố tiền tệ và thông tin vĩ mô, USD lao dốc, giảm mạnh so với rổ tiền tệ các tài sản rủi ro khác, chứng khoán Mỹ sụt giảm.

Giá cà phê Robusta đã tăng rất mạnh vượt qua các ngưỡng kháng cự, bởi vậy, cà phê đang rơi vào vùng quá mua và có thể xuất hiện lực bán kỹ thuật điều chỉnh. Theo dự báo của các chuyên gia, 2150 cũng là mức kháng cự mạnh, nếu giá tiếp tục chinh phục thành công thì điểm dừng tiếp theo là 218x-221x. Nếu gặp lực bán điều chỉnh ở vùng 2150, mức chặn dưới hỗ trợ là vùng 209x-210.

Giá cà phê Arabica tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp "tích cực" khi đồng Real tăng mạnh so với USD. Trong khi tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn ICE liên tục lập mức đáy mới, đạt mức 591.959 nghìn bao hôm thứ 4. Phía Nam vùng Minas Gerais, Brazil đã xuất hiện mưa rải rác nhưng không đáng kể, thị trường vẫn lo ngại về tình trạng khô hạn ở các vùng trồng cà phê.

Theo phân tích của các chuyên gia tín hiệu động lượng tăng vẫn còn với vùng giá kháng cự tiếp theo là 225-230, cần vượt mức này mới kích thích lực mua mạnh từ phe mua và xu hướng tăng giá mới được thiết lập rõ nét. Nhìn chung giá vẫn sẽ tiếp tục dao động trong biên độ cũ 20x-23x và cần thêm nhiều thông tin hỗ trợ để có hướng đi mới.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/8, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 71 USD (3,31%), giao dịch tại 2.216 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 74 USD (3,34%), giao dịch tại 2.223 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 3,5 Cent (1,59%), giao dịch tại 223,95 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 3,9 Cent/lb (1,81%), giao dịch tại 219,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.

Dữ liệu CPI Mỹ tháng 7 được công bố tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9.1% trong tháng 6. Con số này đã xoa dịu nỗi lo lạm phát của Mỹ đã qua mức đỉnh và sẽ tác động tới chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 9.

Theo đó thị trường cho rằng Fed sẽ điều chỉnh đà tăng lãi suất cho phù hợp với sức khỏe nền kinh tế. Vì lẽ đó, đồng USD đã mất đi vị thế trú ẩn của dòng tiền bị bán tháo mạnh và suy yếu. Dòng tiền đầu cơ lập tức rót vào chứng khoán và các tài sản rủi ro khác trong đó có hàng hóa. Vì thế, cà phê trên cả 2 sàn đương nhiên được hưởng lợi tăng mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, cũng đã vào cuối vụ thu hoạch cà phê Robusta, không còn nhiều hàng bán ra và người nông dân càng giữ hàng trong bối cảnh giá cà phê tăng liên tiếp những ngày qua thì sẽ càng có lợi và tình trạng khan hàng sẽ còn tiếp diễn.

Theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 của cả nước chỉ đạt 1,5 triệu tấn, thấp hơn khoảng 120.000 tấn so với niên vụ 2020/2021.

Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới; trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta. Trong những tháng đầu năm 2022, ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng.

Đầu tháng 8/2022, nông dân Brazil đã thu hoạch được 83% sản lượng cà phê vụ 2022/23, thấp hơn so với mức 84% trong cùng thời điểm vụ trước, và cũng thấp hơn mức 86% trung bình 5 năm. Nhà phân tích cà phê Gil Barabach của Safras cho biết, thời tiết khô hạn trên các vùng trồng cà phê Brazil gần đây đã giúp tăng tốc độ thu hoạch. Tuy nhiên, Barabach cũng cho biết, nguồn cung cà phê được cung cấp trên thị trường thực ở Brazil, đặc biệt là loại arabica, vẫn thấp hơn mức dự kiến cho thời điểm này trong năm.

Mặc dù vậy, công ty tư vấn Safras & Mercado vẫn không thay đổi ước tính của họ cho vụ mùa hiện tại. Công ty này dự báo niên vụ cà phê Brazil 2022 ở mức 61,1 triệu bao, cao hơn nhiều so với ước tính của chính phủ là 53,4 triệu bao.

Rabobank dự báo nhu cầu cà phê của Nga sẽ giảm 25% và Ukraine giảm 50%. Rabobank nhận định, sẽ có sự chuyển dịch trong cán cân cung ứng từ mức thâm hụt 5,1 triệu bao trong niên vụ 2021/22 sang thặng dư 1,7 triệu bao vào niên vụ 2022/23.

Anh Vân (t/h)