Thúc đẩy phát triển công trình theo tiêu chí "xanh"

Theo UBND TP. Hà Nội, các công trình tiêu chí "xanh" là những dự án ưu tiên thúc đẩy xây dựng nhằm tăng chỉ tiêu cây xanh trên địa bàn thành phố.

Nếu thời điểm năm 2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa có công trình nào được cấp chứng chỉ công trình xanh, thì trong giai đoạn 2015-2020, xu hướng xây dựng các công trình, dự án xanh được quan tâm triển khai.

Nhiều chủ đầu tư dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, biệt thự...), công trình xã hội (trường học, bệnh viện) phát triển theo xu hướng “xanh” nhằm bảo đảm sự thân thiện với môi trường, mang lại cảm giác an toàn cho người sử dụng và đạt được nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn thành phố có 10 công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh; trong đó riêng năm 2019 có 4 công trình.

Tính trên bình diện cả nước, đến nay đã có 127 dự án, công trình được cấp chứng nhận công trình xanh; ngoài ra có 182 dự án đang triển khai theo mô hình công trình xanh.

4f8261f5beb457ea0ea5-1655022924.jpg
Ảnh minh họa.

Từ năm 1990, từ Châu Âu, một số nước đã nhen nhóm hình thành dạng công trình hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng các điều kiện khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng.

Theo TS. KTS. Tạ Quốc Thắng (Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng) cho rằng, kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.

Phát triển công trình xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của thiết kế sinh thái là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc - C2C” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt…

Cần thống nhất khái niệm xanh từ kiến trúc sư, cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý… Khái niệm xanh được hiểu một cách khái quát là những công trình và đô thị được thiết kế có trách nhiệm với môi trường. Trong đó những vấn đề chính cần quan tâm là nguồn năng lượng, chất thải, sử dụng nước, sử dụng đất, ảnh hưởng đối với hệ sinh thái khu vực, chất lượng không khí và chất lượng môi trường bên trong công trình…, đồng thời còn phải nghiên cứu tổ chức không gian, công năng của công trình kiến trúc tương ứng, ý nghĩa và yêu cầu của thẩm mỹ đô thị và kiến trúc. Nhận thức về công trình xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng xã hội để định hướng và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế xanh - một xu thế đã được thế giới lựa chọn.

Anh Vân (t/h)