Tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo cho các khu công nghiệp Việt Nam (phần III)

Tại Việt Nam, Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững” (Dự án) do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2015 - 2019 đã nhằm thí điểm chuyển đổi 4 KCN tại Việt Nam (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, Ninh Bình; KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2, Cần Thơ) sang mô hình KCN sinh thái.
top-10-khu-cong-nghiep-lon-nhat-tphcm-8-1664594579.jpg
Mô hình sinh thái trong khu công nghiệp

Kết quả triển khai thí điểm khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam  

Theo đó, ba phương pháp được đưa ra để xác định các cơ hội hỗ trợ quá trình chuyển đổi này bao gồm: Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp (IS) và nghiên cứu các giải pháp ở cấp độ KCN nhằm góp phần  phổ biến phương thức sản xuất sạch hơn và phát thải ít cácbon, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất gây ô nhiễm nước và đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Kết quả tại 04 KCN thí điểm trên 72 doanh nghiệp thực hiện trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm; 18 mạng lưới cộng sinh đã được nghiên cứu điều tra và đề xuất thực hiện. Kết quả bước đầu của việc chuyển đổi KCN sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2019).

Trên cơ sở các kết quả triển khai thí điểm KCN sinh thái giai đoạn 2014-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2020 quy định về quản lý KCN, khu kinh tế, theo đó, quy định cụ thể về khái niệm, mục tiêu phát triển, chính sách khuyến khích, tiêu chí xác định, ưu đãi cho KCN sinh thái và trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái. Ngày 28 tháng 5 năm 2022 Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, khu kinh tế, thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP.

KCN Nam Cầu Kiều được thành lập vào năm 2008 tại Hải Phỏng. Không chỉ sở hữu vị trí thuận lợi khi tọa lạc ngay một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam cùng với cơ sở hạ tầng hoàn thiện với hệ thống giao thông, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng liên kết với các tỉnh lân cận nhanh chóng và thuận tiện. Với diện tích 263 ha (lấp đầy 100%) và công tác bảo vệ, xây dựng tiện ích môi trường được ưu tiên hàng đầu đã giúp KCN Nam Cầu Kiền thu hút được 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Không những thế, Nam Cầu Kiều còn là đơn vị tiên phong từng bước xây dựng mô hình tiệm cận KCN sinh thái như Ecotown tại Nhật Bản.

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã đi đầu trong việc thể hiện tư tưởng bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế cần phải được hình thanh trong tập quán sản xuất của từng Nhà đầu tư trong KCN. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền cũng nhận thức được tầm quan trọng cũng như đưa vào chiến lược kinh doanh về bảo vệ môi trường nhằm phát triển một cách bền vững trong tương lai. KCN Nam Cầu Kiền cũng đi đầu trong việc hình thành cơ chế giám sát quản lý môi trường. Các cán bộ, chuyên gia đều sang Nhật học tập công nghệ môi trường và các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm đảm bảo việc thực thi giám sát đạt hiệu quả tối đa.

Lấy ý tưởng từ không gian trưng bày triển lãm của Bảo tàng Môi trường Eco Town, Nhật Bản đơn vị kết nghĩa với KCN Nam Cầu Kiền, không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, đội ngũ Nam Cầu Kiền hướng tới mục tiêu tuyên truyền giáo dục môi trường và hướng nghiệp ngay tại KCN. Với mục đích mang đến 1 không gian giáo dục đào tạo cho các đoàn học sinh thăm quan, học tập về lĩnh vực môi trường, trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất các doanh nghiệp trong KCN.

Các rào cản phát triển bền vững hậu công nghiệp: trường hợp KCN Tp. HCM

Tp. HCM là địa phương đi tiên phong trong quá trình phát triển công nghiệp từ thập niên 80 bằng các loại hình KCN-KCX. Sau gần 4 thập niên, Tp. HCM đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước trong 19 KCN-KCX tạo việc làm và thu nhập cho người dân và đóng góp vào ngân sách Việt Nam với tỷ trọng cao. Tuy nhiên, hiện nay các KCN-KCX Tp. HCM đang gặp một số rào cản trong giai đoạn hậu công nghiệp, ảnh hưởng đến tính bền vững phát triển công nghiệp và hiệu quả tăng trưởng dài hạn của địa phương. 

Hạ tầng giao thông chưa theo kịp quy mô và tốc độ phát triển kinh tế: Đây là điểm hạn chế lớn nhất và luôn được các doanh nghiệp đề cập và dẫn đến chi phí cao giảm năng lực cạnh tranh, đồng thời thiếu nguồn lực tái đầu tư nâng cấp công nghệ. Giá thuê đất cao: Giá thuê đất tại các KCN cao hơn các tỉnh khác và có xu hướng tăng nhanh. Nhà xưởng cao tầng chưa được ủng hộ của các doanh nghiệp quy mô lớn vì máy móc sản xuất có trọng lượng khá nặng.

Chi phí lao động cao nhưng lại tập trung phân khúc lao động ít kỹ năng: Chi phí lao động tại KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với các tỉnh lân cận, chẳng hạn như: năm 2019, đối với ngành dệt may, da giày, thu nhập bình quân tại KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh là 10,812 triệu đồng/tháng, gấp 1,2 lần Đồng Nai và 1,27 lần Long An; đối với ngành điện điện tử là 15,28 triệu đồng/tháng, gấp 1,51 lần Đồng Nai và 1,46 lần Long An; đối với ngành cơ khí, thu nhập bình quân là 13,79 triệu đồng/tháng, gấp 1,23 lần Đồng Nai và 1,45 lần Long An; đối với ngành thực phẩm, thu nhập bình quân là 19,86 triệu đồng/tháng, gấp 1,7 lần Đồng Nai và 2,34 lần Long An.

Nguồn điện cung cấp chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều máy móc, doanh nghiệp có công nghệ cao. Với các doanh nghiệp này, chỉ cần nguồn điện bị chập chờn, không ổn định một vài giây là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyển sản xuất và chất lượng sản phẩm. Cơ sở hạ tầng xã hội và đô thị chưa đồng bộ như trung tâm thương mại, nhà trẻ bên trong hoặc lân cận KCX-KCN dẫn đến các bất cập về nguồn nhân lực, sức khỏe, môi trường và hiệu quả kết nối doanh nghiệp bên trong và ngoài KCN. Các đặc điểm ngoài KCN hiện nay, đòi hỏi quan trọng nhất của doanh nghiệp liên quan đến nguồn nhân lực, cụ thể là khu lưu trú cho người lao động (chiếm tỷ lệ 94%), và lao động trình độ cao (chiếm tỷ lệ 70%) trên địa bàn.

Ngoài ra, với các đặc điểm bên trong KCN, kỳ vọng của doanh nghiệp chủ yếu tập trung  ở các khía cạnh như cơ sở hạ tầng, đất đai, dịch vụ hỗ trợ, vấn đề bảo vệ môi trường, nhà xưởng, mạng lưới nhà cung cấp nguyên vật liệu và khách hàng. Về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp mong muốn chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất - kinh doanh và đời sống người lao động trong KCX-KCN được cải thiện (chiếm tỷ lệ lần lượt là 83% và 63%).

Về đất đai, doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ/ưu đãi về đơn giá thuê đất và các chi phí khác (78%), được thông báo về lộ trinh mở rộng diện tích đất có sẵn trong KCX-KCN (66%) và thời hạn thuê đất (64%). Về dịch vụ hỗ trợ, doanh nghiệp mong muốn có nhà cung cấp dịch vụ nằm trong KCX-KCN (45%), có hiệp hội doanh nghiệp trong KCX-KCN (36%). Về vấn đề bảo vệ môi trường, doanh nghiệp mong muốn KCX-KCN cần có chính sách bảo vệ môi trường trong KCX-KCN (55%).

Rào cản trong quá trình chuyển đổi thí điểm mô hình KCN sinh thái

Công tác thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái trong giai đoạn tiếp theo cho thấy có một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, nhận thức và kỹ năng để thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn: Thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cho sự phát triển của KCN sinh thái và cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở KCN tại Việt Nam đều thiếu các nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc nhân viên kỹ thuật trong áp dụng các giải pháp này. Nhận thức về việc phải áp dụng liên tục các giải pháp RECP trong quá trình sản xuất cũng cần phải được các nhà quản lý doanh nghiệp nâng cao hơn nữa.

Thứ hai, khó khăn trong thực hiện cộng sinh công nghiệp: Thực hiện cộng sinh công nghiệp là một trong những tiêu chí bắt buộc để được công nhận là KCN sinh thái. Vì vậy tăng cường tái sử dụng các chất thải giữa các doanh nghiệp cần được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu một chính sách toàn diện về quản lý chất thải trong đó quy định cụ thể về việc loại chất thải được phép tái sử dụng và hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng đó giữa các doanh nghiệp trong KCN.

Điều quan trọng hơn, hầu hết các KCN hiện hữu các doanh nghiệp đều hoạt động gần như độc lập, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng không lên được kịch bản tổng quát quy hoạch hệ sinh thái các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế tuần hoàn, và bộ phận quản lý nhà nước chủ yếu chỉ tập trung vào quản lý hành chính, có nghĩa là hình thành hay chuyển đổi KCN sinh thái tại Việt Nam cực kỳ khó khăn và thực sự chưa có tính hệ thống hoặc chưa hình thành hệ sinh thái rõ ràng kết nối các doanh nghiệp trong KCN và ngoài KCN trong quá trình xử lý chất thải và các phế liệu với mục đích trở thành đầu vào của các doanh nghiệp khác.

Thứ ba, thiếu nguồn tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ: rào cản về tài chính là một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái. Việc cải tiến các quy trình sản xuất ở nhiều doanh nghiệp thông qua thực hiện các giải pháp RECP và các khoản đầu tư nhỏ đã mang lại nhiều cơ hội lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp không thể thực hiện được quá trình đó vì các khoản đầu tư cần thiết vượt quá khả năng của họ. Việc hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết đối với việc thực hiện các mục tiêu tạo lợi ích về môi trường và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái.

Thứ tư, nguồn nhân lực để áp dụng các công nghệ mới: Đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ mới tiếp tục là chìa khóa trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái. Khi quá trình chuyển đổi thực hiện và các muc tiêu cao hơn được đặt ra, cần thiết phải có sự đầu tư vào nguồn nhân lực để có thể thực hiện và áp dụng các công nghệ hiện đại. (còn nữa)

 

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài