Khuyến nghị và giải pháp phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, Việt Nam lại là một trong những nước chịu rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi các KCN hiện tại sang mô hình sản xuất bền vững hơn, từ phát triển nhờ tài nguyên sang phát triển dựa vào hiệu quả sản xuất và tiến tới lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng là điều rất cần thiết cho phát triển công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới với các xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi số gắn với thay đổi mô hình sản xuất và kinh doanh.
Bằng chứng của UNIDO với các mô hình thử nghiệm đã và đang triển khai tại Việt Nam trong những năm qua, kèm theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các KCN sinh thái có thể là mô hình thúc đẩy phát triển bền vững hơn. Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ KCN sinh thái là đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường. Bằng chứng và xu hướng dài hạn cho thấy KCN sinh thái có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở phân khúc giá trị gia tăng cao và có tính bền vững hơn. Lợi ích môi trường của KCN sinh thái đạt được thông qua giảm ô nhiễm và phát thải Khí nhà Kính từ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên (nguyên liệu, nước, năng lượng) và giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, từ đó góp phần bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương.
Đồng thời, công tác quản lý hóa chất và chất nguy hại trong KCN sinh thái được cải thiện giúp tăng lợi ích môi trường và đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Lợi ích xã hội từ KCN sinh thái bao gồm tăng việc làm có chất lượng tại địa phương thông qua cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cho cộng đồng xung quanh thông qua các cơ sở hạ tầng xã hội như trung tâm đào tạo nghề giúp phát triển kỹ năng và cung cấp thêm dịch vụ cho cộng đồng, cải thiện bình đẳng giới.
Hiện nay, quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái đang có nhiều thuận lợi do có nhiều chính sách hỗ trợ. Đầu tiên phải kể đến là các chính sách về KCN sinh thái đã ra đời và đang dần được hoàn thiện như: - Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2020 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã đưa ra các tiêu chí xác định cho KCN sinh thái, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
- Kế hoạch Hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 cũng đã đặt ra mục tiêu: “... thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế.”. Việc xây dựng, áp dụng, phổ biến các mô hình cộng sinh công nghiệp, mô hình KCN sinh thái cũng là được đề cập trong nhiệm vụ chủ yếu của Quyết định này.
Đồng thời, sự phát triển KCN sinh thái đem lại những lợi ích đáng kể về môi trường, kinh tế và xã hội đối với KCN và cộng đồng xung quanh nên sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi khi thực hiện chuyến đổi KCN sang hoặc xây dựng mới KCN sinh thái. Thông qua các Nghiên cứu và hỗ trợ chuyển đổi KCN sinh thái ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển các khuyến nghị đối với việc phát triển mô hình KCN sinh thái:
Thứ nhất, cần có hướng dẫn và định nghĩa về KCN sinh thái và cụ thể hóa khung quốc tế về KCN sinh thái: Sự phát triển KCN sinh thái có giá trị đối với các nước đang phát triển do mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như cơ sở hạ tầng địa phương. Tuy nhiên ở các nước đang phát triển cần có hướng dẫn và đinh nghĩa rõ ràng về KCN sinh thái để các bên hiểu đúng về các yếu tố cấu thành KCN sinh thái cũng như các định hướng phát triển và chuyển đổi KCN sinh thái.
Ngay cả khi KCN áp dụng cộng sinh công nghiệp và có các chính sách thân thiện môi trường thì các doanh nghiệp khác trong khu vẫn có thể gây ô nhiễm nặng. Vì vậy cần phải xem xét bức tranh tổng thể của KCN. Khung quốc tế về KCN sinh thái đưa ra cơ sở để xác định và thiết lập các yêu cầu tiên quyết và yêu cầu nâng cao đối với các KCN chuyển đổi theo hướng KCN sinh thái. Các yêu cầu tiên quyết và nâng cao đều được thể hiện ở 4 hạng mục đó là: kết quả hoạt động quản lý KCN, kết quả hoạt động về môi trường, kết quả hoạt động về xã hội, và kết quả hoạt động về kinh tế.
Ở mức cơ sở, KCN sinh thái phải tuân thủ tất cả các quy định pháp luật quốc gia cũng như địa phương hiện hành. Cho đến nay, Khung quốc tế về KCN sinh thái phiên bản thứ 2 được xuất bản vào tháng 1 năm 2021 với mục đích tăng tính áp dụng các tiêu chí về KCN sinh thái. Dựa trên Khung này, các KCN sinh thái tham gia chương trình do UNIDO hỗ trợ được đánh giá hiện trạng để xây dựng các giải pháp hỗ trợ các KCN chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.
So với Khung quốc tế về KCN sinh thái phiên bản 2, các tiêu chí về KCN sinh thái được qui định trong Nghị định 82/2018/ND-CP ngày 22/5/2018 và nay là Nghị định 35/2022/NĐ-CP phù hợp với yêu cầu cơ bản của Khung này. Đồng thời so sánh các văn bản hiện hành tại Việt Nam cũng cho thấy cơ sở pháp lý để thực hiện những yêu cầu nâng cao của các KCN sinh thái theo Khung quốc tế, điều quan trọng đó là việc xây dựng một lộ trình phù hợp đối với các KCN hiện nay tại Việt Nam.
Thứ hai, cần xây dựng cơ sở dữ liệu có thể tương tác về các thông lệ tốt liên quan đến KCN sinh thái (ví dụ để cho tái chế và cộng sinh công nghiệp, ở đây là tình huống KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng, một mô hình KCN tư nhân nhưng đang phát triển tốt theo mô hình tiệm cận sinh thái) và được đăng tải miễn phí trên internet. Các bên liên quan ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận với các giải pháp ít tốn kém cho mục đích xanh hóa KCN hoặc xây dựng KCN sinh thái mới.
Thứ ba, cần đánh giá về các chính sách phù hợp để xanh hóa các KCN hay bắt đầu xây dựng các KCN sinh thái mới. Chính phủ phải nhận thức được rằng xanh hóa các KCN hiện có hay là cố gắng tạo ra các KCN sinh thái mới, việc nào là cấp thiết hơn. Khi có thể nên thành lập KCN sinh thái ngay từ đầu.
Thứ tư, quy hoạch KCN sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên hoặc gần các khu này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn liền với bảo vệ môi trường và còn phải thận trọng hơn khi gần khu bảo tồn thiên nhiên. Nói chung KCN sinh thái không nên xây dựng gần khu bảo tồn thiên nhiên.
Thứ năm, cần tập trung chuyển đổi nhanh các KCN hiện hữu tiệm cận với KCN sinh thái tại các tỉnh/thành trong giai đoạn hậu công nghiệp đó là các địa phương có truyền thống phát triển công nghiệp lâu đời nhưng hiện nay có tốc độ đô thị hóa cao, siêu đô thị và tỉ trọng dịch vụ cao, cơ sở hạ tầng quá tải, các vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường đang trong thế lưỡng nan. Các giải pháp chuyển đổi đề xuất bao gồm:
Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá hiện trạng các KCN trên trên địa bàn Tỉnh/Thành để xác định cơ hội chuyển đổi. Hệ thống các KCN từng địa phương ở tình trạng phát triển rất khác nhau. Vì vậy để xác định xu hướng chuyển đổi với từng KCN cần thiết phải điều tra xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng các KCN. Có thể áp dụng Khung quốc tế về KCN sinh thái với bộ chỉ số đánh giá đã được UNIDO áp dụng để đánh giá tiềm năng chuyển đổi các KCN. Trong quá trình điều tra, dữ liệu về đầu ra/đầu vào liên quan đến năng lượng, nước, vật liệu, hóa chất nguy hại, chất thải rắn và nước thải sẽ được thu thập làm nền tàng để xây dựng cơ sở dữ liệu cho cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn tại các KCN.
Xây dựng lộ trình chuyển đổi và thí điểm chuyển đổi: Trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu đã được điều tra và đánh giá về tiềm năng chuyển đổi đối với hệ thống các KCN đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh/Thành, tiến hành xây dựng lộ trình chuyển đổi đối với nhóm các KCN có cùng một thứ hạng đã được xem xét đánh giá có xem xét đến các yếu tố về nguồn lực (tài chính và con người) của doanh nghiệp, KCN và địa phương. Thực hiện thí điểm chuyển đổi với một số KCN sẵn sàng chuyển đổi.
Nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về mô hình KCN sinh thái. Nhận thức về mô hình KCN sinh thái trước tiên cần xây dựng cho các doanh nghiệp, công ty hạ tầng về lợi ích KCN sinh thái, sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng chất thải. Nâng cao nhận thức cho các tổ chức tài chính về một nhu cầu tín dụng mới nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi KCN, doanh nghiệp. Tăng cường truyền thông và xây dựng chính sách quảng bá dưới các hình thực hội nghị, hội thảo và thông qua phương tiện truyền thông về ích lợi của mô hình KCN sinh thái.
Xây dựng và chuẩn bị các nguồn tài chính phù hợp hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi. Ngoài nguồn ngân sách địa phương, Tỉnh/Thành cần tìm kiếm các nguồn tài chính từ các quỹ tài chính trong và ngoài nước có các chương trình cho vay ưu đãi phù hợp với nhu cầu chuyển đổi sang mô hình sinh thái của các doanh nghiệp và hạ tầng KCN (xây dựng các mạng lưới cộng sinh công nghiệp).
Tăng cường nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ sạch, phát thải ít các bon, phát triển các mô hình cộng sinh công nghiệp tái sử dụng chất thải, chuyển chất thải thành năng lượng, đồng xử lý chất thải. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới.
Kiến nghị Chính phủ chính sách đối với doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Cuối cùng, Quy hoạch thành lập KCN sinh thái mới đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với các KCN mới, nên xây dựng thành các KCN sinh thái ngay từ đầu trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện. Quy hoạch các KCN sinh thái cần chú trọng được xây dựng và quản lý dựa trên nguyên tắc sinh thái công nghiệp và cộng sinh công nghiệp, bao gồm: Quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch không gian và đất, kế hoạch đầu tư và tài chính.
Quy hoạch mô hình KCN sinh thái mới nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình công nghiệp 4.0 là một bước tiến mới để tạo ra giá trị công nghiệp bền vững hơn. Mô hình chủ yếu tập trung vào kết nối, tự động hóa, kết hợp sản xuất và vận hành thực tế với công nghệ kỹ thuật số thông minh, dữ liệu lớn để tạo hệ sinh thái được kết nối tốt hơn và tổng thể hơn cho các công ty tập trung vào sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.
Bước tiến này là sự đóng góp quan trọng cho sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Điều này có thể thực hiện được thông qua quá trình triển khai theo hướng áp dụng mô hình cộng sinh với quản lý cơ sở dữ liệu được số hóa, áp dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn với quy trình ra quyết định ở mức độ số hóa. Đây là sự hợp lực giữa con người và máy móc với mục đích tối ưu hóa sự sử dụng nguồn lực về nguyên vật liệu, năng lượng và các quá trình ra quyết định trong sản xuất./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Hepza (2021). Định hướng phát triển KCN-KCX Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ do Hepza và Trường đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cùng phối hợp thực hiện và đã nghiệm thu.
Tôn Nữ Trà My và cộng sự. (2016). Hiện trạng môi trường khu vực xung quanh khu công nghiệp Hòa Khánh-Đà Nẵng và đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. http://data.udn.vn/bitstream/DHDN/125/1/ POLLUTION.pdf
UNIDO (2015). Industrial Parks, Special Economic Zones, Eco-industrial Parks, Innovation District as strategies for Industrial Competitiveness. Hanoi, Vietnam.https://www.unido.org/sites/default/files/201508/UCO_Viet_Nam_Study_FINAL_0.pdf