Các vấn đề hậu công nghiệp tại các tỉnh/thành Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ và thương mại với các quốc gia trên Thế giới vào năm 1995 cho đến năm 2020 trung bình khoảng 6,3%, đời sống của người dân dần được cải thiện một cách rõ rệt khi mức thu nhập trung bình của người dân từ 273 USD/người vào năm 1995 lên hơn 2750 USD/người vào năm 2020 (World Bank, 2021). Tuy nhiên, song hành với tốc độ tăng trưởng nhanh là những bất ổn về mặt môi trường và xã hội và xét về dài hạn thì mô hình tăng trưởng đang tập trung tìm ra động lực mới.
Theo nghiên cứu của Tôn Nữ Trà Mi và cộng sự (2018), một số người dân mắc các bệnh nan y (6,7%) và một số bệnh lý khác như tai mũi họng (88,33%), hô hấp (66,7%), tiêu hóa (33,33%), ngoài da (66,7%), mắt (16,7%), phụ khoa (16,7%) khi người dân sống gần các khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn 2000 - 2015.
Bên cạnh đó những vấn đề quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội của các KCN của các tỉnh/Thành có mật độ dân số cao và đô thị hóa cũng như dịch vụ hóa cao như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang ngày càng lộ rõ trong hai năm trải qua đại dịch Covid-19 dẫn đến các địa phương này đối diện nhiều rủi ro về dịch bệnh và sức khỏe người lao động. Mặc dù vậy, cho đến hiện nay gần 4 thập niên thu hút đầu tư FDI và phát triển công nghiệp, hầu hết tỉnh thành nào cũng có KCN và tỉ lệ lấp đầy vẫn là ưu tiên hàng đầu hơn là các ưu tiên chính sách về tiêu chí môi trường và xã hội.
Do vậy phát triển công nghiệp bằng các mô hình KCN truyền thống không còn phù hợp trong bối cảnh mới như chuyển đổi số, tiêu dùng bền vững và sức khỏe người lao động trở thành vốn quý của xã hội và chất lượng sống con người ngày càng được quan tâm bên cạnh sức ép tăng trưởng thu nhập.
Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn của Việt Nam về phát triển công nghiệp theo mô hình KCN-KCX
Đúc kết các mô hình KCN-KCX trên thế giới đối chiếu với hiện trạng các KCN Việt Nam, theo nghiên cứu Hepza (2021), hiện nay, các KCX-KCN của Việt Nam thuộc mô hình hỗn hợp và đa ngành, và rất ít KCX-KCN có mô hình vườn ươm. Nếu có cũng chỉ mới xuất hiện trong 10 năm gần đây, do vậy năng lực đổi mới sáng tạo từ KCX-KCN của Việt Nam hiện nay là rất thấp và điều đó ảnh hưởng đến năng suất và tính bền vững về môi trường chung.
Mô hình phố công nghiệp Marshall trong bối cảnh Việt Nam khi đối chiếu với các KCX-KCN bao gồm khá nhiều doanh nghiệp nội địa nhỏ, nhưng tính liên kết trong và ngoài KCX-KCN còn rất hạn chế, năng lực hoạt động của các hiệp hội trong KCX-KCN còn yếu và thiếu liên kết, vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương trong các chính sách phát triển công nghiệp chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp tại các KCX-KCN vì các doanh nghiệp này là các nhà đầu tư thứ cấp dựa trên đầu tư ban đầu của nhà đầu tư sơ cấp về cơ sở hạ tầng chủ yếu là đất đai, do vậy các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận độc lập thiếu liên kết và hạn chế phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn là điều kiện ban đầu nhưng rất quan trọng của mô hình KCN sinh thái.
Mô hình thành phố công nghiệp phức hợp khi đối chiếu với các KCX-KCN Việt Nam cũng có điểm tương đồng là bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và cả các doanh nghiệp nhỏ nội địa, nhưng có sự khác biệt là các KCX-KCN là sự kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa nhỏ với doanh nghiệp lớn và FDI còn hạn chế do đó việc thúc đẩy điều kiện ban đầu mô hình cộng sinh công nghiệp thì hầu như không có.
Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone - SEZ) quốc tế thì Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng chỉ có KCX Tân Thuận với mục tiêu ban đầu là thu hút nguồn vốn FDI nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm, tạo tính lan tỏa về quản trị và công nghệ; nhưng cho đến nay, kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận cho thấy mặc dù đã thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, nhưng quá trình đổi mới công nghệ khá chậm chạp, và vai trò của KCX trở nên yếu đi khi có nhiều KCN mới hình thành và có nhiều nguồn vốn FDI khác tham gia tại các KCN khác, nên vai trò của các FDI và các doanh nghiệp hoạt động tại KCX Tân Thuận đang có tính cạnh tranh rất cao và đặc biệt quá trình đô thị hóa tại các phụ cận của KCX Tân Thuận đã tạo áp lực về cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng xã hội.
Hạn chế lớn nhất của KCX đã hình thành tại Việt Nam là chậm đổi mới công nghệ và điều này dẫn đến tính bền vững công nghiệp trong bối cảnh mới sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi hay nâng cấp công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, đặc biệt các doanh nghiệp trong KCX đã có thời hạn hợp đồng kép dài thêm ít nhất 20 năm tính từ thời điểm hiện nay.
Xét về KCN sinh thái thì Việt Nam hiện chưa có KCN nào là KCN sinh thái thực sự. Nghị định 82 của Bộ Kế hoạch đầu tư về các tiêu chuẩn của KCN sinh thái theo tiếp cận của UNIDO vẫn còn rất khó thực hiện và chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy vậy, bài viết này đề xuất rằng đây là mô hình tương lai mà các KCX-KCN của Việt Nam phải từng bước chuyển đổi theo hướng cộng sinh công nghiệp tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quan trọng của KCN sinh thái.
Các tập đoàn lớn toàn cầu hiện nay rất chú trọng đến yếu tố công nghiệp bền vững khi dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á lân cận như Việt Nam, do đó mô hình KCN sinh thái mang tính tiêu biểu và xu hướng trong 10 năm tới và các năm sau nữa khi các tập đoàn lớn định hướng sản xuất bền vững cho các sản phẩm của họ.
Đồng thời, với vị thế siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành khác của Việt Nam, đất đai là tài nguyên khan hiếm, nên muốn duy trì yếu tố công nghiệp trong tương lai thì mô hình KCN sinh thái trong 10-20 năm tới phải là mô hình theo đuổi kiểu mẫu do các địa phương này tốc độ đô thị hóa cao, dân số tập trung đông, kinh tế dịch vụ đang chiếm ưu thế chứ không phải phát triển công nghiệp truyền thống thâm dụng các yếu tố đầu vào.
Mô hình Phố sáng tạo (Innovation District) là một mô hình thích hợp các tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa lớn của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Theo đó, các KCN Việt Nam chuyển dần từ thâm dụng lao động/đất đai/nguyên liệu đầu vào đang dần mất ưu thế và không còn phù hợp với xu thế mới, sang các KCN bao gồm các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, có thể tận dụng thành quả tri thức mà các siêu đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao đang sở hữu, cùng với rất nhiều tiềm năng về nguồn nhân lực khoa học công nghệ cũng như hệ thống viện nghiên cứu và trường đại học.
Mô hình Phố sáng tạo này không tập trung một KCN cụ thể nào, mà mục tiêu của nó là quy hoạch một khu vực thuộc các siêu đô thị với mục đích thu hút tài năng và các doanh nghiệp có yếu tố ICT, gắn phát triển công nghiệp với tri thức, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giúp hình thành nguồn lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Xét theo tiến trình phát triển công nghiệp với GDP bình quân đầu người thì các siêu đô thị hoặc các tỉnh thành có tốc độ đô thị hóa nhanh và dịch vụ hóa cao thì các địa phương này đã đi vào giai đoạn hậu công nghiệp nhưng chất lượng và tính bền vững công nghiệp chưa hình thành rõ nét.
Các KCN của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức là chuyển dần từ việc sản xuất tận dụng các yếu tố đầu vào (như: vốn, lao động, tài nguyên) về mặt số lượng sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào vì GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay là 2.700 USD/người. Tuy nhiên, các KCX-KCN các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao đã chuyển sang giai đoạn 2 (giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào), bằng chứng thu nhập bình quân đầu người tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao dao động trung bình 5.000-6.000 USD/người, và vai trò động lực góp phần tăng trưởng từ yếu tố đầu vào và hiệu quả chiếm 90%, trong đó yếu tố đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng địa phương chỉ mới đạt 10%. Nói cách khác, các KCX-KCN các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao đã bước sang giai đoạn hậu công nghiệp, có nghĩa là đã đạt được ngưỡng cao của giai đoạn 2 là giai đoạn hiệu quả các yếu tố đầu vào, và bước đầu chuyển tiếp sang giai đoạn 3 là giai đoạn đổi mới sáng tạo.
Giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp trong các KCX-KCN của Việt Nam nếu không đổi mới công nghệ, cũng như các KCX-KCN không đầu tư phát triển các yếu tố bền vững về cơ sở hạ tầng xã hội trong KCN. Hệ quả có thể là giai đoạn 3 sẽ chuyển đổi chậm và thời gian hậu công nghiệp kéo dài, dẫn đến sự kém hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là không tạo ra động lực tăng trưởng mới từ phát triển công nghiệp cho các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao trong 10 - 20 năm tới./. (còn nữa)