Thống kê của Chi cục Thủy lợi cho thấy, toàn tỉnh đã triển khai thi công nạo vét 82 tuyến kênh mương lấy nước tưới tiêu có tổng chiều dài gần 60.000 m, khối lượng đất đào đắp lên đến trên 1,1 tỷ m3 khối và tổng kinh phí lên đến trên 29 tỷ đồng. Trong đó, riêng các huyện, thành, thị trong tỉnh thực hiện 75 tuyến kênh với khối lượng đất đào đắp trên 555.000 m3, chiều dài trên 18.000 m và kinh phí thực hiện gần 21 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất trong mùa khô 2021 – 2022, địa phương cũng đã đầu tư trên 34 tỷ đồng sửa chữa 23 cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cho các vùng sản xuất trọng điểm như: vùng dự án ngọt hóa Gò Công, vùng Đống Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh,..
Đặc biệt, trong tháng 3/2022 dự báo là tháng cao điểm xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022. Do vậy, để chủ động ứng phó, không để thiên tai gây hại cho sản xuất và đời sống, Tiền Giang tiếp tục theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông để vận hành hệ thống các cống đập ngăn mặn một cách hợp lý, hiệu quả. Cùng đó, tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy đưa nước ngọt đến từng chân ruộng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân nội đồng các vùng dự án sử dụng nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và những yếu tố làm ô nhiễm nguồn nước, bơm trữ nước phục vụ sản xuất và đời sống.
Riêng đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, địa phương yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang quan tâm tổ chức vận hành lấy nước ngọt qua cống Xuân Hòa khi độ mặn ngoài cống nằm trong phạm vi cho phép để trữ trong nội đồng ứng phó hạn mặn.
Riêng đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông nhằm chủ động triển khai đóng 7 đập thép ngăn mặn trên đướng huyện 35 và đóng các cống đập thuộc dự án Đông vá Tây sông Ba Rày, bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao khi độ mặn tăng cao và lấn sâu về thượng lưu.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, nhờ các giải pháp chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2021 – 2022, tình hình sản xuất và đời sống tại Tiền Giang ổn định.
Nông dân cơ bản thu hoạch thắng lợi vụ Đông Xuân 2021 – 2022 với niềm vui được mùa và đang khẩn trương xuống giống vụ Hè Thu cho kịp thời vụ theo lịch xuống giống tập trung; né rầy, né lũ khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19./.