Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội về đích thành công. Thời gian tới, ngành chọn nông nghiệp công nghệ cao là điểm nhấn phát triển.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chịu tác động mạnh trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi… tăng mạnh những tháng đầu năm; khủng hoảng lương thực toàn cầu gia tăng bởi tác động của xung đột Nga-Ukraine…
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, xây dựng các kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai đúng tiến độ; đồng thời chủ động phối hợp các huyện, thị xã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt.
Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của thành phố.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất đạt gần 40.640 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2021. Các cây trồng chính như lúa, rau, cây ăn quả... có bước phát triển đáng ghi nhận.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất đạt gần 40.640 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2021.
Riêng đối với cây lúa, mặc dù diện tích gieo trồng có giảm, nhưng với việc triển khai các vùng chuyên canh tập trung, lúa chất lượng cao, sản xuất lúa tiếp tục tăng cả về sản lượng và chất lượng, tạo tiền đề để Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu giống lúa chất lượng cao sẽ đạt hơn 80% diện tích, mở ra cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng đặc sản, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các cơ sở chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Diện tích nuôi trồng thủy sản không có nhiều biến động, sản lượng tăng do nuôi trồng theo phương thức thâm canh và sử dụng con giống có năng suất. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được triển khai thực hiện từ đầu năm, sản xuất lâm nghiệp tập trung có bước phát triển mới...
Đáng chú ý, tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi…
Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố Hà Nội.
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp Thủ đô còn không ít hạn chế như việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp khó khăn. Việc tích tụ ruộng đất còn nhiều vướng mắc.
Tình trạng nông dân bỏ ruộng sản xuất vẫn xảy ra. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn nhỏ lẻ, manh mún. Các địa phương vẫn sản xuất dàn trải, chưa tìm được sản phẩm chủ lực, tạo thế mạnh riêng…
Để phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định phải tạo điểm nhấn là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ số.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ mới, năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống chất lượng cao; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn...
Cùng với việc cơ cấu lại và quy hoạch nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng; gắn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với các loại hình du lịch…, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về công nghệ và tài chính đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác là hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường trong nước và quốc tế.