Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngày 11/1/2019, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13 –NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Coi đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tạo động lực quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sau 4 năm triển khai, thực hiện, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 46,3 nghìn ha. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt hơn 18,5 nghìn ha; chăn nuôi 9.500ha; thủy sản 3.400ha; lâm nghiệp 15.000ha...
Qua việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, một số liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất giá trị cao đã được hình thành như hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, TP. Thanh Hóa... đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất thông thường, lợi nhuận cao hơn từ 30-50 triệu đồng/ha.
Hay như mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân,... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dược liệu (huyện Triệu Sơn) cho thu nhập 400 triệu/ha/năm...
Dù mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng đến nay, việc tích tụ đất nông nghiệp tại Thanh Hóa còn diễn ra chậm, chưa đồng bộ. Do tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân cũng khiến nhiều hộ thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, sản xuất bỏ vụ nhưng cũng không cho tổ chức cá nhân khác thuê lại đất để sản xuất.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật đất đai năm 2013, thì đất nông nghiệp thuộc quỹ đất của UBND xã, phường cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mỗi lần không quá 05 năm. Điều này ảnh hưởng và kìm hãm về đầu tư tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy các xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để chuyển từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, không bền vững, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, đạt năng suất, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.
Từ đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của nhân dân, đặc biệt là nông dân trong quá trình triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên phải tích cực, gương mẫu đi đầu.
Ngoài ra, Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Sở TN-MT khẩn trương tham mưu ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.