Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA), tại Hội chợ CNHT thành phố Hà Nội năm 2022 vừa được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội cho thấy, hiện tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giầy, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.
Từ số liệu trên cho thấy, hiện việc tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT vẫn còn rất thấp là nguyên nhân dẫn tới khối lượng linh, phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỉ USD). Đây cũng là lý do khiến cho ngành CNHT Việt Nam chậm lớn.
Lý giải về nguyên nhân trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng các linh, phụ kiện ngành điện công nghiệp, dân dụng, nhưng khi muốn phát triển sản xuất kinh doanh lại gặp khó khăn trong việc tiệm cận nguồn vốn. Trong khi đó, mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, song cơ chế cho vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
Đồng tình với chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Giang Sơn, ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hikari P&T Vietnam bày tỏ, đơn vị sản xuất kinh doanh chuyên về lĩnh vực cung ứng linh phụ kiện ngành nhựa và ngành cơ khí, nên nhu cầu mở rộng nhà máy nhằm đáp ứng được các đơn hàng, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật từ đối tác toàn cầu của doanh nghiệp là rất lớn; thế nhưng, hiện vấn đề khó khăn với doanh nghiệp chính là kinh phí thuê mặt bằng. Thực tế, hiện giá thuê đất tại các Khu công nghiệp ở Hà Nội đang tương đối cao, thậm chí cao hơn các địa phương lân cận từ 4-5 lần. Đây là một bài toán khó đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Trước những ý kiến từ phía các doanh nghiệp, đồng thời nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững, ông Lê Quý Khải, Phó Chủ tịch HANSIBA cũng đưa ra kiến nghị, các bộ, ngành cần khuyến khích công ty đa quốc gia, công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện nội địa hóa thông qua những chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển... Đồng thời tạo thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp CNHT Việt Nam nói chung, công nghiệp chế tạo nói riêng với công ty nước ngoài.
Cùng với những khuyến khích về thuế, lao động… theo ý kiến của các chuyên gia tại Hội chợ CNHT thành phố Hà Nội, để duy trì lợi thế cạnh tranh trong ngành CNHT, đặc biệt là cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật CNHT trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, đặc biệt là doanh nghiệp ngành CNHT tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội.
Ngoài ra, Nhà nước cần có những quy hoạch cụ thể cho từng vùng kinh tế, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển, địa phương “đua nhau” phát triển CNHT. Qua đó, hạn chế tối đa được sự lãng phí nguồn lực và sự cạnh tranh không cần thiết nhằm thúc đẩy ngành CNHT phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, chuyên gia cũng kiến nghị, để ngành CNHT phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, đòi hỏi Nhà nước cần sớm đưa chính sách vào cuộc sống.
Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp ngành CNHT, tại Hội chợ CNHT thành phố Hà Nội năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT phát triển đủ năng lực cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ song hành cùng doanh nghiệp ngành CNHT trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thông qua việc xây dựng quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Hà Nội.