Doanh nghiệp "đau đầu" vì thiếu hụt lao động

Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành Dịch vụ - Xây dựng/Kiến trúc – Bất động sản – Bán buôn/Bán lẻ - Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch – Công nghệ thông tin – Tài chính/Kế toán/Kiểm toán…

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng

Theo trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks thuộc Navigos Group vừa có báo cáo “Tình hình thị trường lao động trong năm 2022 - Thực trạng và hướng đi”, trong đó cho biết từ đầu năm 2022, thị trường lao động Việt Nam đã nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, những biến đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã mang đến những xu hướng mới tại thị trường lao động và việc làm trong nước, tác động đến nhu cầu tìm việc của người lao động thời gian qua.

Báo cáo của VietnamWorks được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát với hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, theo Navigos Group, nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021. “12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30% - 40%. Gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc là 10% - 20%”, báo cáo này cho biết.

Theo Navigos Group, tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP.HCM và Hà Nội đang tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt tại TP.HCM là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%.

Trong khi đó, các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành Dịch vụ - Xây dựng/Kiến trúc – Bất động sản – Bán buôn/Bán lẻ - Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch – Công nghệ thông tin – Tài chính/Kế toán/Kiểm toán…

09-bitg-1660816038.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Từ phía người tìm việc, báo cáo chỉ ra số lượng người lao động đang không có việc làm toàn thời gian chiếm tới 40% số lượng người tìm việc. Trong nhóm nhân sự chưa có việc làm toàn thời gian này, một nửa là người đã thôi việc nhưng chưa có công việc mới, còn lại là nhân sự đang làm thời vụ hoặc tự ra làm riêng…

Với người lao đông, theo khảo sát của Navigos Group, khi được hỏi về lý do sau khi thôi việc nhưng chưa tìm việc làm mới, hơn 20% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn được nghỉ ngơi trước khi tìm việc mới, hơn 18% sẽ kinh doanh tự do hoặc tìm công việc bán thời gian, gần 12% chưa vội tìm kiếm công việc mới.

Theo Navigos Group, số liệu này cho thấy người lao động sẵn sàng chờ đợi thêm để tìm được đúng công việc phù hợp với nhu cầu cá nhân, hoặc muốn tìm các công việc có thời gian cân bằng cuộc sống nhiều hơn cũng như tìm kiếm các cơ hội mới để thử thách và khám phá nhiều hơn”.

Tìm cách giữ chân nhân sự giỏi

Về xu hướng của thị trường lao động trong 6 tháng cuối năm, theo Navigos Group, 89% doanh nghiệp tham gia kháo sát cho biết họ sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 – 1000 lao động tăng tuyển dụng từ 50% - 60%. Với các doanh nghiệp có quy mô từ 101 – 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10%-40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50% – 60%”, khảo sát cho biết.

Navigos Group cũng cho biết 56% doanh nghiệp sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài. Ngoài tăng lương, các doanh nghiệp còn có thêm các lựa chọn khác dành cho người lao động như hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ - bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc.n.

Tuy nhiên, đa số người lao động tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn hơn khi đi tìm việc thời gian này. Trong đó, gần một nửa người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm và trên 2 năm kinh nghiệm thừa nhận gặp khó khăn khi đi tìm việc mới.

Với người lao động ở vị trí quản lý và trưởng nhóm, tỷ lệ cho biết gặp khó khăn khi đi tìm kiếm công việc mới lần lượt ở mức 46% và 53%.

Phân tích sâu hơn, báo cáo chỉ ra khả năng tìm việc trở nên khó khăn hơn ở những nhóm ngành đặc thù như y/nha/dược; giáo dục; bảo hiểm; ẩm thực/đồ uống hay nghệ thuật giải trí (chiếm 45-50% ở những nhóm ngành, đặc biệt chiếm 76% ở nhóm y dược). Điều này cho thấy những nhóm ngành chịu tác động lớn bởi dịch bệnh vẫn nằm trong trạng thái hạn chế nhân sự.

Trong khi đó, khả năng tìm việc mới tương đối bình ổn hoặc không có nhiều thay đổi tập trung ở những nhóm ngành hành chính/pháp lý; hóa học/hóa sinh hay bất động sản.

Đặc biệt, ở nhóm an toàn môi trường lại ghi nhận khả năng tìm việc mới dễ hơn, cho thấy đây là nhóm ngành đang khát nhân lực sau đại dịch và giúp người lao động dễ dàng tìm việc hơn.

Phương Ly (t/h)