Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho khởi nghiệp, mà yếu tố “đổi mới sáng tạo” cần được coi trọng, bởi đây là một cách để tái cấu trúc và nâng cao hiệu suất nền kinh tế.
a2-1694059705.jpg
Thủ tướng Chính phủ thăm gian hàng đổi mới sáng tạo của sinh viên tại Lễ Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Vĩnh Phúc) ngày 26/03/2022 - Ảnh: Chinhphu.vn)

Những kết quả tích cực

Hệ sinh thái KNĐMST có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong điều kiện số lượng và quy mô doanh nghiệp (DN) thấp hơn một số nước trong khu vực và thế giới. Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã yêu cầu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp”.

Quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Nghị quyết xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong đó có 5 nguyên tắc liên quan đến KNĐMST. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/05/2016 (gọi tắt là Đề án 844). Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án KNĐMST; hỗ trợ phát triển 600 DN khởi nghiệp sáng tạo;100 DN tham gia Đề án 844 gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác, Đề án 844 triển khai đồng bộ các hoạt động để thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động: xây dựng cổng thông tin KNĐMST quốc gia; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ KNĐMST tại các ngành, địa phương; triển khai thực hiện đề án thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp; phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ KNĐMST,…

a1-1694059644.jpg
Những cuộc thi KNĐMST được tổ chức nhằm tạo không gian thúc đẩy sinh viên thực học – thực nghiệp bằng chính chuyên môn được đào tạo và theo đuổi đam mê nghề nghiệp ngay từ giảng đường để sẵn sàng phát triển tương lai.

Nỗ lực triển khai Đề án 844 của các bộ ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của cộng đồng DN đã đem lại những kết quả bước đầu trong việc hình thành hệ sinh thái KNĐMST. Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho thấy, hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với hơn 3.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm ba hệ sinh thái KNĐMST năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đứng sau Indonesia và Singapore. Năm 2021, dòng vốn đầu tư vào KNĐMST tại Việt Nam đạt gần 1,37 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục.

Nhận diện vướng mắc

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST vẫn còn rất nhiều rào cản. Trong một công trình nghiên cứu, PGS, TS. Nguyễn Cúc (Học viện Chính trị Khu vực I) đã chỉ rõ, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp hiện chưa đầy đủ, còn thiếu một số quy định đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp (Đăng ký mã ngành, huy động vốn cộng đồng, vốn đối ứng từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân,..). Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực khởi nghiệp, như thị trường quyền sử dụng đất, các sản phẩm công nghệ, lao động chất lượng cao…

“Việc xây dựng hệ sinh thái KNĐMST quốc gia hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia”.

(Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng)

“Hầu hết các DN khởi nghiệp chủ yếu ở các lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế… Trong khi một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển như nông nghiệp, du lịch, chế biến, chế tạo lại chiếm tỷ trọng thấp”, PGS, TS. Nguyễn Cúc khẳng định.

Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng được tổ chức ngày 11/05/2023, từ góc độ chuyên gia, ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn KNĐMST quốc gia cho rằng, hầu hết khi thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST của các địa phương, điểm khó nhất là tư duy lãnh đạo; nhiều lãnh đạo các địa phương cho rằng, thúc đẩy KNĐMST là chỉ hỗ trợ cho khởi nghiệp, trong khi ĐMST là một cách để tái cấu trúc và nâng cao hiệu suất, phát triển nền kinh tế địa phương.

“Khi tầm nhìn lãnh đạo xem đổi mới sáng tạo là đòn bẩy, nền tảng để phát triển KH&CN cũng như đòn bẩy để giải quyết tất cả các vấn đề của tư duy truyền thống, lúc đó KNĐMST sẽ trở nên mạnh mẽ và có lực đẩy đi rất nhanh”, ông Quân khẳng định.

a3-1694059853.jpg
Cần khuyến khích lực lượng thanh niên khởi nhgiepej trong lĩnh vực nông nghiệp. (Trong ảnh: Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức tại Đơn Dương, Lâm Đồng)

Cũng theo ông Quân, một khó khăn khác là các địa phương không biết làm cách nào để thực hiện đổi mới sáng tạo. Dựa trên các văn bản của Bộ KH&CN để lập kế hoạch, nhưng khi thực hiện lập kế hoạch hành động và đưa qua các Sở, ngành thì không nhận được sự đồng thuận. Vì vậy, cần phải có sự tham gia của bộ ngành và các tổ chức cố vấn hỗ trợ cho địa phương.

Để thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST, theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, các bộ ngành, địa phương cần lưu ý 03 điểm ưu tiên. Đầu tiên là ưu tiên tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về KNĐMST. Thứ hai là cơ chế khuyến khích những sáng kiến liên quan tới việc huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm đổi mới sáng tạo mở tạo thành trung tâm vùng tận dụng nguồn lực Trung ương, quốc tế. Thứ ba là có những cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù trong vùng, trong từng địa phương. Đây là những “lực hút” quan trọng để đưa đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo hấp dẫn, “vườn ươm” của các DN khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Khánh Thi