Tuần lễ chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Hội Tin học TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 diễn ra từ ngày 18 - 20/5.

Theo đó, Tuần lễ chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 có hơn 100 gian hàng trưng bày các sản phẩm, mô hình khởi nghiệp, chuỗi hoạt động, hội thảo, triển lãm phong phú.

Theo Ban Tổ chức, khách tham dự là các chuyên gia, diễn giả hàng đầu về chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan quản lý nhà nước; các Hiệp hội, Hội ngành nghề; các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề cập về xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới góc nhìn thực tiễn ở Đồng bằng sông Cửu Long; nội dung, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm thực hiện chuyển đổi số trong phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025; giải pháp giám sát cháy rừng trên công nghệ bản đồ viễn thám; giải pháp đưa nông nghiệp Việt vươn tầm thế giới; giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp...

chuyen-doi-so-nong-nghiep-1684580419.jpg
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng Sản)

Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang nói riêng và của khu vực, cả nước nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng bày tỏ mong muốn, Tuần lễ chuyển đổi số sẽ giúp Hậu Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng và các tỉnh miền tây trong hành trình chuyển đổi số, thúc đẩy công nghiệp công nghệ số.

hau-giang-1684580535.jpg
Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023, tại Hậu Giang đã thu hút gần 3.000 lượt khách tham dự. (Ảnh: Môi trường&Đô thị)

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho hay, 9 hội thảo và 8 hoạt động bên lề của Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2023 thể hiện sự khát vọng vươn lên của Hậu Giang. Tỉnh tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự sẵn sàng về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, cũng như nguồn lực tại chỗ.

Các đại biểu dự hội thảo thống nhất ý kiến tạo nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu số cho ngành Nông nghiệp tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, phát triển các dịch vụ, ứng dụng số ưu tiên; kết nối liên thông về dữ liệu thông tin tối ưu hóa cho chuỗi cung ứng sản phẩm; hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng; hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tạo hệ thống nền tảng kết nối giữa hộ nông dân - doanh nghiệp - chính quyền.

quan-ly-so-1684580646.jpg
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề cập về xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới góc nhìn thực tiễn. (Ảnh: Môi trường&Đô thị)

Công nghệ được sử dụng trong dự án ứng dụng công nghệ cao với ngành Nông nghiệp phải là công nghệ thế hệ mới, thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là công nghệ gen ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị; công nghệ chuyển gen trên động vật, thực vật, vi sinh vật định hướng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường; công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị; ứng dụng trong thay thế các mô, cơ quan; công nghệ tế bào mô, phôi động vật; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ sinh học.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững, các doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thay đổi biện pháp kỹ thuật trong canh tác hoặc chăm sóc; lựa chọn sản phẩm có giá trị cao ứng dụng công nghệ phù hợp; ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch; kết hợp công nghệ cao với năng lượng tái tạo, du lịch để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ánh Dương (t/h)