Tại Hội nghị "Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững" mới đây do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với nhóm Công tác ngân hàng (BWG), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh những thách thức, rủi ro các quốc gia phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động trực tiếp tới mọi nền kinh tế trên thế giới.
Theo Thống đốc NHNN, Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, nên thời gian qua, chúng ta đã luôn chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi phát triển.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành (trong đó có NHNN) cùng với các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng động quốc tế.
Cụ thể, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác ngân hàng, các ngân hàng quốc tế,… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề, nội dung quan trọng, có tính thời sự về sự cần thiết thu hút nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về phát triển xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các bên cũng cung cấp các thông tin về tình hình huy động nguồn lực cho Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như đã có những chia sẻ, trao đổi, làm rõ các vấn đề có liên quan.Tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Về phí Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án nói chung, trong đó quan tâm tới các dự án xanh".
Nhiều tổ chức quốc tế chia sẻ sẵn sàng đứng ra bảo lãnh tín dụng ngân hàng, chia sẻ một nửa lợi nhuận hoặc rủi ro để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh ngay khi có những cơ chế rõ ràng, thuận lợi được hoàn thiện, khẳng định sự đồng hành với Việt Nam vì mục tiêu chung.
Bà Kanni Wignaraja - Giám đốc UNDP khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: "Hầu hết các quốc gia đều cho rằng, nếu không có một nền kinh tế carbon thì không thể tiến bộ. UNDP chúng tôi cho rằng điều đó không đúng. Một đất nước có thể xây dựng một mô hình phát triển mới nếu giảm lượng khí thải carbon ra môi trường".
Theo McKinsey, các tổ chức tài chính tại Việt Nam có thể xem xét phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án phát triển bền vững, đáp ứng 3 yếu tố "Môi trường, Xã hội, Quản trị", ước tính tạo ra khoảng 1,7 tỷ USD doanh thu vào năm 2025.
"Ở Việt Nam, việc phát hành trái phiếu xanh còn rất ít. Tính lũy kế đến đầu năm 2021 mới có 4 dự án, tuy nhiên chúng tôi nghĩ con số này sẽ còn tăng hơn nữa", ông Nakajima Takeo -Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho hay.
NHNN cho biết, có 12 lĩnh vực tín dụng xanh đều tăng trưởng trong thời gian qua, riêng năng lượng tái tạo chiếm gần một nửa. Mặc dù vậy tỷ trọng tín dụng xanh nói chung vẫn còn thấp trong toàn nền kinh tế.
Với tín hiệu, thông điệp đưa ra trong hội nghị từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài về nguồn lực hỗ trợ/tài trợ, NHNN tin tưởng rằng sẽ có dịch chuyển, thu hút dòng vốn, nguồn lực đầu tư mới chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới.