Nội dung trên được nhấn mạnh tại Hội nghị trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật về chống khai thác IUU và chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với EC lần thứ 5 cho 28 tỉnh thành phố ven biển do Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành tổ chức.
Hội nghị nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC nêu ra tại đợt thanh tra lần thứ 4, như đã được hoàn thiện, với sự tham vấn đầy đủ từ Ủy ban châu Âu, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản; Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để xử lý dứt điểm đối với tàu cá “03 không”; nhất là, ngày 12/6/2024 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Chương trình, Đề án và kế hoạch tổ chức thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để sẵn sàng làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).
Đồng thời, các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao điểm chốt chặn tại các cửa sông, cửa biển và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu các tại các cảng cá, bãi ngang để xử lý vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định về VMS, không đảm bảo điều kiện hành nghề…
Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Vì vậy các ngành, các cấp có liên quan từ trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị cần thực hiện để gỡ thẻ năm 2017 đến nay, EC đã cử 4 đoàn thành tra đến Việt Nam để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định IUU. Theo kế hoạch sắp tới, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành thanh tra thực địa, xem xét gỡ 'thẻ vàng' IUU lần thứ 5 cho thủy sản Việt Nam. Việc tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU không chỉ góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà còn là động lực để phát triển thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững.
Trước đó, ngày 4/11/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 111/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.
Công điện nêu rõ: Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10 tháng 4 năm 2024, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2024, Thông báo kết luận số 403/TB-VPCP ngày 31 tháng 8 năm 2024 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 5 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách.
Trong Công điện, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương liên quan gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của địa phương mình.
Các Hội, Hiệp hội thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản: Ban hành nội quy quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải tuân thủ quy định về chống khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm lưu. Thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng nếu phát hiện ra các doanh nghiệp không tuân thủ quy định. Xây dựng chuỗi liên kết trong thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác gắn với từng đội tàu cá và sản phẩm thủy sản khai thác, đảm bảo ổn định giá cả, thị trường giúp ngư dân yên tâm sản xuất, không vi phạm IUU./.