Khai thác thủy sản có trách nhiệm gắn với sinh kế lâu dài
Gần 7 năm cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU, nghề khai thác hải sản ở Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Đáng ghi nhận là từ chính quyền địa phương đến ngư dân đã có sự thay đổi trong nhận thức về khai thác thủy sản có trách nhiệm gắn với sinh kế lâu dài, góp phần bảo vệ môi trường biển và sự phát triển bền vững của nguồn lợi thiên nhiên.
Qua 14 năm gắn bó với ngư trường vịnh Bắc Bộ, thuyền trưởng Trần Văn Sâm (61 tuổi), huyện Vân Đồn đã có 3 lần thay thế, nâng cấp phương tiện đánh bắt. Từ con tàu nhỏ chỉ có thể đánh bắt ven bờ, con tàu hiện nay của ông Sâm đã có thể khai thác ở vùng biển xa nhất với 8 lao động trên biển cả tháng trời.
Ông Trần Văn Sâm cho biết, việc đầu tư phương tiện đánh bắt mới với đầy đủ thiết bị giám sát, định vị và được cấp phép sẽ giúp mỗi chuyến ra khơi thêm an toàn.
"Ban đầu tôi sắm tàu nhỏ 13m rồi chuyển lên tàu 15m và bây giờ lên đến tàu 18m. Tàu có máy định dạng, định vị nên tàu cứ đi đến vạch phân quản là tổng đài thông báo. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng theo dõi hoạt động của tàu 24/24 giờ nên giúp các ngư dân chúng tôi không vi phạm vùng biển nước bạn. Mỗi khi ngư dân cho tàu ra khơi, Bộ đội Biên phòng cũng đều nhắc nhở đoàn tránh vi phạm”, ông Trần Văn Sâm cho biết.
Quảng Ninh hiện có hơn 5.500 tàu cá, trong đó có 258 phương tiện từ 15m trở lên, đủ điều kiện khai thác vùng khơi giáp đường phân định trên biển với nước bạn Trung Quốc. Đây là những tàu cá có nguy cơ vi phạm ngư trường và cũng là cảnh báo cao nhất của EC với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay Quảng Ninh đã hướng dẫn, kiểm tra nên không có tàu cá vi phạm, khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài; Khoảng 4.200 tàu cá từ 6m trở lên đều được đăng ký và đăng ký tạm (đạt hơn 99%) đảm bảo việc kiểm tra, giám sát trên các thiết bị, phần mềm theo quy định.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - địa phương có nhiều tàu cá nhất của tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, cho đến thời điểm này, Vân Đồn tập trung rất quyết liệt công tác gỡ thẻ vàng IUU. “Vân Đồn đã triển khai cơ bản hoàn thành chuyển đăng ký tàu cá tạm sang đăng ký chính thức, sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, từ đó tháo gỡ những khó khăn về đăng ký tàu cá thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Vân Đồn cũng phấn đấu hết tháng 8 này sẽ hoàn thành 100% các tàu cá của huyện quản lý sẽ đăng ký xong và cấp giấy phép", ông Vũ cho hay.
Quản lý tàu cá "3 không", chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài
Một trong những thách thức lớn của ngành thủy sản Quảng Ninh là công tác kiểm soát, bốc dỡ và phân loại cá tại các cảng có chỉ định. Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, hiện địa phương đang kiểm soát sản lượng cá tại 9 cảng nhưng việc kiểm soát qua hệ thống điện tử eCDT còn rất hạn chế.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Ninh cho rằng, việc kiểm soát qua hệ thống điện tử chủ động khai báo của các ngư dân trên tàu mới tiến hành, nên còn rất khiêm tốn. “Một trong những lý do hạn chế chính là việc tiếp cận các phần mềm của ngư dân chưa cao, ý thức khai báo chưa tốt. Tới đây, Sở sẽ cố gắng có các biện pháp để nâng cao tỷ lệ này", ông Nghị khẳng định.
Nghề đánh bắt thủy sản ở Quảng Ninh đã từng bước khắc phục được nhiều hạn chế, đặc biệt là tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác) và chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là kết quả từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị với nhiều biện pháp tổng lực từ tuyên truyền, vận động tới chính sách hỗ trợ ngư dân và xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi khai thác trái phép.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh, số vụ vi phạm giảm theo từng năm cho thấy ý thức chấp hành các quy định về đánh bắt hải sản của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Hiện nay Quảng Ninh có những sáng kiến trong công tác đăng ký tạm đối với những tàu cá "3 không", đây là một trong những giải pháp, tuy nhiên cần thúc đẩy nhanh hơn nữa trong việc hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác cho khối tàu này.
“Đối với Quảng Ninh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, nên tỉnh định hướng giảm khai thác ven bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, để vừa phát triển kinh tế thủy sản vừa đảm bảo phát triển của ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm để cùng với cả nước hội nhập quốc tế”, ông Hùng thông tin.
Đánh bắt thủy sản là nghề rủi ro, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nhất là đánh bắt ở vùng khơi, vùng lộng. Cùng với việc thực hiện kế hoạch khai thác thủy sản có trách nhiệm góp phần bảo vệ môi trường biển và sự phát triển bền vững của nguồn lợi thiên nhiên, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân cũng là giải pháp căn cơ, lâu dài để ngành thủy sản phát triển bền vững./.