Theo báo cáo "Toàn cảnh thị trường Bất động sản Việt Nam - Nhìn lại năm 2023 & Dự báo năm 2024 - CƠ HỘI CHO AI?" của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) vừa công bố ngày 04/01/2024, để ngành BĐS phát triển một cách bền vững và minh bạch, thị trường cần đáp ứng đủ nhiều yếu tố khác nhau từ Kinh tế vĩ mô đến các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, cấu trúc dân cư cũng như các điều kiện về Cơ sở hạ tầng và năng lực tài chính, khả năng hoạch định và năng lực triển khai của các bên, từ Cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp và cả khách hàng mua BĐS.
Nhiều thách thức phải vượt qua
Từ bối cảnh các năm trước đây, có thể thấy hầu hết các yếu tố cần thiết cho sự phục hồi thị trường BĐS vẫn chưa được đáp ứng hoàn toàn và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dần. Năm 2024, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện tốt hơn để sớm đạt được đến điểm phục hồi khi các yếu tố cần và đủ cơ bản sẽ được đáp ứng.
Trong phạm vi kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế thế giới và trong nước, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ cùng tốc độ phục hồi của ngành sản xuất đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động và nhu cầu nhà ở.
Các yếu tố chính sách, như khó khăn pháp lý chưa được khai thông, cơ chế, và quy định mới theo Luật, cũng như cuộc thanh tra và xét xử sai phạm vẫn còn tiếp tục và có thể sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin thị trường.
Trong khi đó thị trường mở ra nhiều cơ hội từ thị trường M&A với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các tác động của tiến độ triển khai Cơ sở hạ tầng và xu hướng mua/ thuê Bất động sản của khách hàng đang có sự dịch chuyển.
Bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng đang phải đối mặt với rất nhiều những vấn đề nội tại. Để đón đầu cơ hội trong năm mới, doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề nguồn vốn và tính thanh khoản dòng tiền cũng như áp lực từ nợ xấu, nợ trái phiếu.
Song song đó, cần chuẩn bị quỹ đất đa dạng để đón đầu sự dịch chuyển thị trường, xây dựng phương án khai thác tài sản, nguồn lực hiện hữu. Đồng thời, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ máy nhân sự ổn định nhằm hoạch định chiến lược và thế mạnh cạnh tranh trong bối cảnh mới, ứng dụng công nghệ cao trong quản trị và vận hành bộ máy cũng như nâng cao năng lực xử lý khủng hoảng, ổn định nhằm duy trì sức khoẻ thương hiệu.
Nắm bắt cơ hội – chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục và phát triển
Thị trường BĐS hiện đang đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái và thị trường được đánh giá gần như đã chạm đáy. Dự báo thị trường sẽ dần phục hồi từ đáy chữ U, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào các yếu tố tác động cả vi mô và vĩ mô. Trong đó quan trọng nhất cần là sự cải thiện niềm tin thị trường.
Theo Tiến sĩ Phạm Anh Khôi – Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS- FERI) nhận định: “Thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều cơ hội. Với dự báo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và dân số đô thị ngày càng tăng, nhu cầu về nhà ở sẽ tiếp tục là điểm nổi bật”.
Năm 2024 hứa hẹn nhiều cơ hội trong thị trường bất động sản từ những phân khúc được chú trọng phát triển. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền dưới 2,5 tỷ đồng/căn, phân khúc này hấp dẫn với chi phí đầu vào thấp, tốc độ triển khai nhanh và đa dạng đối tượng tiếp cận. Loại hình chung cư mini đang nhận được sự quan tâm lớn từ các Chủ đầu tư và sự quan tâm của Nhà nước trong việc xây dựng khung pháp lý riêng cho loại hình này. Nhu cầu về loại hình nhà ở này rất lớn tại các đô thị, đặc biệt từ nhóm Gen Z, người độc thân và gia đình 1 thế hệ.
Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp; văn phòng thương mại và xu hướng Bất động sản "xanh" tiếp tục duy trì sức hút với các nhà đầu tư. Đây là những phân khúc tiềm năng trong thị trường Bất động sản năm 2024.
Trải qua năm 2022 & 2023, theo thống kê, số lượng rất lớn doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường . Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp còn ở lại & doanh nghiệp mới
Thị trường Bất động sản năm 2024, cơ hội đang mở ra cho từng nhóm đối tượng. Đối với Chủ đầu tư, năm này là thời điểm có lợi thế cho những CĐT có nguồn nhân lực và vốn tài chính mạnh mẽ, sở hữu sản phẩm có pháp lý sạch và chuẩn bị công nghệ hiện đại. Thương hiệu uy tín, thượng tôn pháp luật cũng là yếu tố quan trọng giúp họ nắm bắt nhiều lợi thế trong cuộc đua này.
Trong khi đó, doanh nghiệp môi giới nào đang sở hữu nguồn nhân lực, vốn tài chính ổn định và tham gia đa dạng sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Môi giới cá nhân cũng được đánh giá cao khi có kỹ năng và kinh nghiệm, sự linh hoạt và đặc biệt là đam mê với nghề.
Với người mua, thị trường cung cấp cơ hội cho những khách hàng có tài chính ổn định, hiểu rõ về thị trường và có khả năng đưa ra quyết định thông minh, kịp thời. Tổng thể, năm 2024 là năm của cơ hội với từng đối tượng tham gia thị trường BĐS.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, CEO Đông Tây Land, nhìn nhận thị trường bất động sản đã bớt khó khăn và đã có những chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm 2023, khác hoàn toàn so với 2 quý trước đó, thậm chí còn hồi phục tiệm cận quý I-II/2022.
Trong thời điểm thịnh vượng, các sản phẩm như căn hộ, nghỉ dưỡng, nhà liền thổ, đất nền... đều được bán rất tốt. Tuy nhiên, khi thị trường suy thoái, nhà đầu tư đều dừng hoạt động mua bán. Và đây cũng là lúc phân khúc bất động sản ở thực chiếm lĩnh thị trường.
Theo thống kê giao dịch tại Đông Tây Land, 85% giao dịch thành công trong thời gian qua đều được khách hàng mua để ở, 15% còn lại tập trung vào các sản phẩm có giá trị lớn ở trung tâm Thành phố, mang tính chất giữ tiền.
"Những sản phẩm bán được nếu không phải mua để ở thì hầu như khách hàng mua để giữ tiền, bởi họ biết trong thời điểm thịnh vượng, khó có thể mua được sản phẩm với giá rẻ như vậy. Tuy nhiên, họ thường đắn đo hơn và quyết định tiến tới giao dịch chậm hơn so với trước đây", ông Bình chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo đây là thời điểm mà cả doanh nghiệp lẫn khách hàng cần duy trì tâm lý thận trọng; không quá cực đoan trước những thông tin chưa tích cực; không quá lạc quan trước các tín hiệu tích cực "ảo"./.