Tập trung cho tiêu chí thu nhập
Xã Đông Tiến có 329 hộ/1.162 khẩu/2 thôn, hơn 90% là đồng bào K’ho và số ít người Kinh đến lập nghiệp. Từ xã vùng cao nghèo khó, xã Đông Tiến đã đổi thay nhờ chính sách đầu tư của Trung ương, của tỉnh và huyện. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đồng bào hưởng lợi từ chính sách cấp đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò, đầu tư ứng trước đã tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống đang tiến tới đạt chuẩn xã NTM.
Đến nay, xã Đông Tiến cơ bản hoàn thành được 14/19 tiêu chí theo yêu cầu Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong số các tiêu chí còn lại, địa phương lo lắng nhất là tỷ lệ hộ nghèo bởi toàn xã hiện còn 76 hộ nghèo và thu nhập còn thấp hơn so với quy định (41 triệu đồng), chỉ ở mức 36 triệu đồng. Theo đó, địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm cải thiện thu nhập cho người dân. Một số cây trồng mới, giống mới chuyển giao đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của đồng bào.
Chủ tịch UBND xã Đông Tiến - K’Văn Góa cho biết, ngoài các cây trồng chủ lực là lúa, bắp, xã Đông Tiến đã mở rộng được thêm 10 ha trồng đậu bắp Nhật, 6 ha ớt liên kết chuỗi, người dân có lãi khá. Dù hiệu quả nhưng xã vẫn chưa thể khuyến khích nhân rộng bởi còn lo kỹ thuật canh tác bà con chưa chú tâm, sản phẩm chưa đạt theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Khắc phục tình trạng này, cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Đông Tiến chuyển giao kỹ thuật trồng ớt đạt chứng nhận VietGAP theo mô hình liên kết chuỗi cho bà con.
“Bà con được tập huấn theo kiểu vừa dạy lý thuyết vừa thực hành “cầm tay chỉ việc”. Với sự theo sát của cán bộ kỹ thuật mong muốn sẽ có thêm cây trồng hiệu quả, đồng bào làm quen với kỹ thuật canh tác mới”, đại diện UBND xã Đông Tiến cho biết. Mặt khác, trước thực trạng tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún và nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác…, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Tiến ra đời với sự tham gia của 13/13 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tập trung huy động các nguồn lực từ bên ngoài và bên trong, HTX đã tạo ra sức mạnh tập thể trong việc sản xuất tiêu thụ lúa, rau, cây thực phẩm và các loại cây, con khác đáp ứng cho thị trường trong và ngoài huyện. Đồng thời, cung ứng các dịch vụ, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giống cây ăn quả cho thành viên để phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp, kịp thời, đảm bảo chất lượng, giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho thành viên tham gia, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.
“Với phương án sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2022- 2024, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát huy các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp giúp đồng bào hạ giá thành, tăng giá bán, thu lợi nhuận cao để phát triển sản xuất. Đồng thời, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM”, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Tiến chia sẻ. Cùng phấn đấu về đích xã NTM cuối năm nay còn có xã Thuận Hòa hiện đã đạt được 16/19 tiêu chí. Hiện, xã đang chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện để “tăng tốc” thực hiện các tiêu chí còn lại.
Tiếp tục những lộ trình mới
Theo rà soát của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện đạt 219 tiêu chí, bình quân 14,6 tiêu chí/xã, giảm 23 tiêu chí so với bộ tiêu chí cũ, hầu hết các xã đều giảm từ 2 – 4 tiêu chí. Một số tiêu chí đã đạt nhưng thiếu bền vững như môi trường, tỷ lệ người dân tham gia BHYT…
Theo kế hoạch đến 2025, huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục đầu tư cho 6 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Hàm Trí, Hàm Phú, Hồng Sơn, Hàm Đức, Thuận Minh, Hàm Chính. Để hoàn thành lộ trình đặt ra trong giai đoạn tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải dồn sức cho tiêu chí thu nhập. Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp tăng thu nhập người dân.
Theo đó, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, mô hình khuyến nông, nhân rộng thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, doanh nghiệp, HTX tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân tạo động lực chương trình xây dựng NTM. Thực tế, mô hình kinh tế tập thể đã tạo việc làm và tạo thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động. Hoạt động của mô hình cũng góp phần phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.
Không chỉ vậy, thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực; thông qua chương trình liên kết hợp tác giữa Liên minh HTX các tỉnh/thành phố..., nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Điển hình, tại thị trấn Ma Lâm, Tổ hợp tác Gò Cà 3 đã liên kết với HTX thanh long sạch Hòa Lệ để vận hành nhà đóng gói. Từ năm 2018 - 2022, HTX đã sản xuất và xuất khẩu 12.554 tấn thanh long sạch, doanh thu đạt 103,8 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hơn 170 lao động tại địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng đối với lao động nữ; từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng đối với lao động nam./.