Thanh Hóa: Chuẩn bị nguồn vốn khủng cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027 với tổng vốn 400 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi Ngân hàng Thế giới gần 330 tỷ đồng, còn lại là đối ứng từ ngân sách tỉnh Thanh Hóa…

Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa, vay vốn Ngân hàng thế giới do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa là chủ dự án. Với mục tiêu nhằm xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất nhằm phát triển lĩnh vực thủy sản tỉnh Thanh Hóa theo hướng nâng cao giá trị, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

z4133376199668-7798126d53d00e32dc5ed7492204d414-1677203029.jpg

Nghề nuôi trồng thủy hải sản đang được quan tâm đầu tư lớn tại Thanh Hóa.

Mục tiêu cụ thể để hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng khai thác hải sản đồng bộ, gắn với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; bên cạnh đó, phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản nước lợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái.

Quy mô dự án này gồm 2 hợp phần, hợp phần 1 là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản, bao gồm 2 tiểu dự án phát triển cơ sở hạ tầng khai thác hải sản và 7 Tiểu dự án phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Hợp phần 2 là quản lý dự án, bao gồm việc quản lý thực hiện dự án theo các quy định pháp luật hiện hành của nước Việt Nam; thực hiện công tác giám sát đánh giá dự án theo quy định của hà tài trợ.

z4133404146200-a1c1ad488f8d56ca481369b0720e5e64-1677203192.jpg

Mong đợi một sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở xứ Thanh.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027 với tổng vốn 400 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi Ngân hàng Thế giới gần 330 tỷ đồng, còn lại là đối ứng từ ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn các xã Hoằng Trường, Hoằng Yến, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa; các xã: Hòa Lộc, Đa Lộc, huyện Hậu Lộc; các xã: Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy huyện Nga Sơn; xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương.

Thực hiện Chương trình phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã huy động được 120,107 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và 14,453 tỷ đồng ngân sách đối ứng của tỉnh, đầu tư 10 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, đó là: Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương); Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung)... Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa được tham gia Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” do Ngân hàng Thế giới tài trợ đầu tư các vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 19.500 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 8.000 ha vùng triều tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP. Sầm Sơn...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang tiếp tục phát triển ổn định về diện tích, đẩy mạnh phát triển, chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua, ngao... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị về tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án “Phát triển thuỷ sản bền vững tỉnh Thanh Hoá”, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã chỉ đạo các địa phương, các sở ngành, đơn vị liên quan cùng vào cuộc giải quyết những khó khăn vướng mắc để dự án được triển khai đúng kế hoạch./.

Lê Gia