Cá chết do thay đổi đột ngột về chất lượng nguồn nước...?
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá ban đầu với mẫu cá chết của Chi cục chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) ngày 9/2/2023 cho thấy, mẫu cá không có yếu tố dịch bệnh, nguyên nhân cá chết do thay đổi đột ngột về chất lượng nguồn nước, lượng bèo tây bề mặt suối tương đối lớn ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của cá.
Kết quả kiểm tra tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Như Xuân (cách suối Hón Thành khoảng 1 km) cho thấy: Trang trại nuôi lợn thịt của Công ty bắt đầu đi vào hoạt tháng 4/2022 và có 17 dãy chuồng nuôi. Trang trại đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Hiện tại nước thải sau xử lý đang được lưu giữ tại ao sinh học số 1, chưa có nước thải sang ao số 2; các ao chứa nước thải sự cố và ao sinh học số 2 đã lót bạt đáy, riêng ao sinh học số 1 không có bạt đáy chống thấm. Kiểm tra không phát hiện nước từ ao sinh học hay các khu vực khác thải trực tiếp ra môi trường.
Từ kết quả kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Hón Thành (tại thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân) như phản ánh của người dân là có cơ sở. Nguồn nước chảy từ khe núi Lèn Cò Noóng chảy ra suối Hón Thành có dấu hiệu ô nhiễm, không có tình trạng nước thải của các trang trại trên địa bàn xã Thanh Xuân và xã Thanh Sơn đổ thải trực tiếp vào suối Hón Thành.
Tuy nhiên, do Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân đi vào hoạt động chăn nuôi lợn nhưng chưa báo cáo cấp có thẩm quyền để được cho phép vận hành, thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường; ao sinh học số 1 chứa nước thải chưa lót bạt thành đáy chống thấm; chưa rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm khi có phản ánh của người dân.
Được biết, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân do có hành vi vi phạm: “Chưa rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm” quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt đối với hành vi trên từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng (áp dụng đối với tổ chức) và thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường.
Doanh nghiệp "vô can" vì sao phải khắc phục sự cố?
Theo kết quả kiểm tra với mẫu cá chết cho thấy, mẫu cá không có yếu tố dịch bệnh, nguyên nhân cá chết do thay đổi đột ngột về chất lượng nguồn nước, lượng bèo tây bề mặt suối tương đối lớn ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của cá. Như vậy, báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt là do thay đổi đột ngột về chất lượng nguồn nước. Vậy nhưng, bất ngờ là Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa lại yêu cầu Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân dừng ngay việc xả nước thải sau hệ thống xử lý hóa lý ra ao sinh học số 1, bơm chuyển toàn bộ lượng nước thải sau hệ thống xử lý hóa lý và nước trong ao sinh học số 1 sang ao sinh học số 2 và ao chứa nước thải sự cố để lưu giữ; thực hiện gia cố, lót thành đáy chống thấm ao số 1 đảm bảo không để rò rỉ, thẩm thấu nước thải ra ngoài môi trường; Tạm dừng việc tiếp nhận lợn giống vào chăn nuôi lứa mới; rà soát, cải tạo, sửa chữa lại toàn bộ các công trình, biện pháp xử lý chất thải, nước thải, có biện pháp tuần hoàn nước thải sau xử lý để hạn chế lượng nước thải ra môi trường; lập hồ sơ để được xem xét, cấp giấy phép môi trường theo quy định mới được vận hành thử nghiệm trở lại.
Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân phối hợp với thôn Thanh Thủy, UBND xã Thanh Xuân có biện pháp hỗ trợ đối với một số hộ dân khu vực suối Hón Thành, thôn Thanh Thủy bị ảnh hưởng?
Trước những thông tin này, dư luận không khỏi băn khoăn khi tham chiếu theo kết luận của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, Không hiểu vì sao doanh nghiệp "vô can" lại phải hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng? Như vậy liệu doanh nghiệp có bị "oan"?