Quảng cáo #128

Tham quan cơ sở xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, Thủ tướng gợi mở sự hợp tác chặt chẽ lĩnh vực năng lượng

Tham quan khu liên hợp hóa dầu Ras Laffanhy - một cơ sở xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính hy vọng có sự hợp tác chặt chẽ của hai bên, trong đó có sự quan tâm của Qatar Energy và Ras Laffan, lĩnh vực năng lượng sẽ trở thành lĩnh vực hợp tác quan trọng, ngày càng thực chất, hiệu quả giữa hai nước.

Sáng 1/11, trong chương trình thăm chính thức Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan.

hop-tac-nang-luong-1-1730469879.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan. (Ảnh VGP)

Khu công nghiệp liên hợp lọc hóa dầu Ras Laffan được quản lý bởi công ty dầu khí nhà nước của Qatar - Qatar Energy. Đây là nơi sản xuất khí hóa lỏng chính của toàn Qatar và là cơ sở xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Khu liên hợp này nằm cách thủ đô Doha 80 km về phía bắc, tập trung nhiều nhà máy lọc dầu và nhà máy xử lý khí lớn của Qatar như ORYX GTL, Pearl GTL, Dolphin… và bến cảng với khu vịnh nhân tạo lớn nhất thế giới (4.500 ha diện tích mặt nước khép kín).

Ras Laffan được đưa vào hoạt động năm 1996 với vai trò lưu trữ, xử lý khí đốt tự nhiên thu được từ mỏ North Field (mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới ngoài khơi Qatar được phát hiện năm 1971). Qua thời gian, các nhà máy công nghiệp phục vụ việc sản xuất khí hóa lỏng tại Ras Laffan tăng dần theo nhu cầu đã biến Ras Laffan trở thành một khu công nghiệp quy mô lớn.

Hiện nay, có 13 tập đoàn, công ty lớn trong ngành sản xuất khí hoạt động tại đây. Bên cạnh các nhà máy, khu công nghiệp, Ras Laffan còn có một số cơ sở hạ tầng khác như Trung tâm đào tạo An toàn và Khẩn cấp Ras Laffan, Nhà máy đóng tàu Erhama bin Jaber Al Jalahma, Bệnh viện Ras Laffan… có chất lượng hàng đầu Qatar.

hop-tac-nang-luong-2-1730469870.jpg
Thủ tướng nghe giới thiệu khi tham quan khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan. (Ảnh VGP)

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các thông tin rất hữu ích và cho biết chủ đề năng lượng được các nhà lãnh đạo hai nước trao đổi nhiều trong các cuộc hội đàm, hội kiến vừa qua; hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ của hai bên, trong đó có sự quan tâm của Qatar Energy và Ras Laffan, lĩnh vực năng lượng sẽ trở thành lĩnh vực hợp tác quan trọng, ngày càng thực chất, hiệu quả giữa hai nước.

Trước đó, trong các cuộc hội đàm, hội kiến trong chuyến thăm chính thức Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Qatar đã xác định hợp tác năng lượng (gồm năng lượng truyền thống và năng lượng mới) là một trong những lĩnh vực ưu tiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương, đưa quan hệ Việt Nam - Qatar lên tầm cao mới. Năng lượng cũng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.

Tại cuộc tiếp ông Saad bin Sherida Al Kaabi, Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên thúc đẩy sớm đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác về lĩnh vực năng lượng, dầu khí, phía Qatar và Công ty QatarEnergy tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng cho Việt Nam các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất, nhất là khí tự nhiên hóa lỏng để phục vụ bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để nâng cao khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…

hop-tac-nang-luong-3-1730469942.jpg
Ras Laffan được đưa vào hoạt động năm 1996 với vai trò lưu trữ, xử lý khí đốt tự nhiên thu được từ mỏ North Field (mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới ngoài khơi Qatar được phát hiện năm 1971).(Ảnh VGP)

Qatar là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, với tài nguyên chính là khí đốt trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. QatarEnergy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước./.

PV (Theo Chinhphu.vn)