Thách thức lớn nhất của Việt Nam khi chuyển đổi sang năng lượng xanh là gì?

Năng lượng được xem là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là thách thức lớn với Việt Nam, đòi hỏi cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Anh Ngô Việt Anh (ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cách đây gần 2 năm khi chủ đầu tư bàn giao nhà, hầu như khu đô thị anh ở không có một trạm sạc xe điện nào, kể cả dành cho xe máy điện. Đến giữa năm 2022, những trạm sạc ôtô điện đã mọc lên dọc tuyến đường từ hầm xe cho đến các bãi đỗ tại khu mua sắm thương mại và bệnh viện. Ở mỗi lốt đỗ, chủ đầu tư đều lắp các trạm sạc dành cho cả xe ôtô và xe máy điện.

Tuy nhiên, có một điều rất đáng suy ngẫm là dù "phủ sóng" xe thuần điện, góp phần bảo vệ môi trường, hiện thực hoá các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Nhưng nguồn điện đầu vào cho xe điện sử dụng chủ yếu từ nguồn nhiên liệu hoá thạch (nhiệt điện than). Theo đó, câu hỏi đặt ra ở đây là việc chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng xanh liệu có đạt được ý nghĩa?

nang-luong-xanh-1681966935.jpg
Ảnh minh họa.

Theo bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo (Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ), mang tiếng là xe điện, nhưng chưa "xanh, sạch, thân thiện với môi trường" thì chưa đạt được mục đích đề ra.

Bà Mai cho rằng, việc phát triển xe điện ở thời điểm này phần nào hạn chế được ôtô chạy dầu, gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, việc chuyển đổi xe điện sử dụng nguồn điện sạch cũng cần có thời gian để thực hiện. Về dài hạn, để giao thông thực sự sạch, năng lượng thực sự xanh thì các toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại nên lắp một dàn điện mặt trời nhỏ trên mái nhà, dùng nguồn năng lượng đó để sạc cho xe điện.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi năng lượng từ hoá thạch, sang nguồn năng lượng sạch chính là nguồn lực thực hiện.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ đòi hỏi vốn đầu tư và cần giảm thiểu tác động lên giá điện. Phân tích của WB nói rõ: Việt Nam sẽ cần khoảng 166 tỉ USD để đầu tư cho ngành điện tới năm 2040 để chuyển dịch theo các mục tiêu của COP26. Con số này cao hơn khoảng 50% so với con số 109 tỉ USD được ước tính theo kịch bản chính sách hiện tại được nêu ra trong Quy hoạch bộ Phát triển ngành điện (PDP8) sơ bộ.

Giá điện trung bình có thể tăng khoảng 25% vào năm 2040. Để đáp ứng nhu cầu tài chính, WB cho biết, cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực, bao gồm tái phân bổ nguồn tiết kiệm nội địa cho các dự án liên quan đến khí hậu, tăng dự trữ quốc gia và nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Ngoài ra, theo đại diện WB, nguồn vốn ODA có thể giúp giảm thiểu nguy cơ và huy động lĩnh vực kinh tế tư nhân, cải thiện tính tiếp cận của các dịch vụ về điện. Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với các đối tác phát triển đa phương và song phương để đảm bảo nguồn tài chính cho các nỗ lực chuyển dịch năng lượng xanh.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho hay, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.

Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức về việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kĩ thuật phức tạp.

Đầu tư vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là xu thế trên toàn cầu và việc xuất phát sớm luôn mang lại các ưu thế nhất định. Theo dự báo, trong năm 2023, dòng vốn sẽ tiếp tục được đổ vào các dạng năng lượng tái tạo để đẩy nhanh quá trình thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống./.

Ánh Dương (t/h)