Tết Trung thu bàn về nghệ thuật múa Thiên Cẩu Hội An

Nghệ thuật Múa Thiên Cẩu tưởng chừng mai một, nhưng được khơi dậy và thể hiện sống động và cuốn hút trong dịp Tết Trung thu tại Hội An.
bieu-dien-mua-thien-cau-tai-trien-lam-1695919281.jpg
Biểu diễn Múa Thiên Cẩu phun lửa phục vụ công chúng tại Triển lãm ảnh Nghệ thuật Múa Thiên Cẩu ở Hội An - Ảnh: Lâm Thông.

Nghệ thuật truyền thống độc đáo cần bảo tồn, phát huy

Múa Thiên Cẩu có từ lâu đời và phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX ở Hội An. Bộ môn nghệ thuật này phỏng theo hình tượng chó nhà trời, tái hiện linh vật nhả ra mặt trăng báo hiệu cho mùa vụ nông nghiệp tốt tươi, cuộc sống an lành. Gắn liền với Múa Thiên Cẩu là nghệ thuật trang trí, biểu diễn cùng nhiều nghi thức, ý nghĩa liên quan đến diệt trừ tà khí, hỏa hoạn cũng như chúc phúc, cầu tài lộc.

Dịp Tết Trung thu năm nay, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức Triển lãm ảnh Nghệ thuật Múa Thiên Cẩu ở Hội An. Triển lãm trưng bày bộ ảnh nghệ thuật của nghệ sỹ nhiếp ảnh Quảng Bá Hải. 18 bức ảnh là những khoảnh khắc độc đáo, ấn tượng, thể hiện đầy đủ các động tác nghệ thuật và các khía cạnh nghi lễ của Múa Thiên Cẩu.

Tại triển lãm, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quảng Bá Hải cho hay, từ điệu múa dân gian của một linh vật thần thoại, Múa Thiên Cẩu đã được nâng lên thành một loại hình nghệ thuật, Thiên Cẩu được múa biểu diễn trang trọng vào các dịp Trung thu, Tết Nguyên đán, các lễ hội văn hóa, tân gia, khai trương cửa hàng, khánh thành công trình.

Với mong muốn tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của Múa Thiên Cẩu, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quảng Bá Hải giới thiệu tới người dân, du khách những khác biệt giữa Múa Thiên Cẩu và Múa Lân-Sư. Theo đó, Thiên Cẩu có những khác biệt so với Lân-Sư, đó là đầu Thiên Cẩu được sơn 5 màu tượng trưng cho Ngũ hành: đỏ, trắng, đen, xanh, vàng; với màu đỏ là màu chủ đạo. Trán, sừng và u của Thiên Cẩu nhô cao; miệng, hai tai, mi mắt, con ngươi có thể được cử động khi múa. Đuôi của Thiên Cẩu được may từ vải với nhiều màu sặc sỡ và thường khá dài. Khi múa có 1 người múa đầu và 2 đến 3, 4 người múa đuôi. Trong khi đó múa Lân-Sư chỉ có 2 người, 1 người múa đầu (múa chính) và 1 múa đuôi…

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho hay: “Chỉ có duy nhất tại Hội An là còn giữ nguyên nét văn hóa múa Thiên Cẩu. Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần giúp Tết Trung thu ở Hội An được xét công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Đại diện Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, nhân dịp Lễ hội Tết Trung thu ở Hội An vừa được đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố cũng sớm triển khai đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa Thiên Cẩu trong thời gian tới.

Khai mở tiềm năng quảng bá và phát triển du lịch Hội An

Nét độc đáo khác lạ của nghệ thuật Múa Thiên Cẩu ở Hội An đã được minh chứng qua tiến trình lịch sử. Dù xuất hiện nhiều nơi nhưng Múa Thiên Cẩu ở Hội An vẫn có những nét riêng, không trùng lặp. Võ sư Trần Xuân Mẫn, Chưởng môn Võ đường Kỳ Sơn (Hội An) chia sẻ: Múa Thiên Cẩu thoạt nhìn có vẻ giống Múa Lân nhưng nghệ thuật Múa Thiên Cẩu Hội An không giống bất cứ lối Múa Lân ở bất kì vùng, miền nào. Từ lối múa, bài múa, đến điệu trống... đều tạo nét riêng đặc trưng cho Múa Thiên Cẩu Hội An.

Kể từ khi du lịch phát triển ở Hội An, Múa Thiên Cẩu đã được lãnh đạo thành phố quan tâm đưa vào một số sự kiện văn hóa của thành phố, cũng như phục vụ du lịch. Nghệ thuật Múa Thiên Cẩu Hội An đã trải qua không ít thăng trầm, chìm lắng suốt thời gian dài và chỉ bắt đầu được phục hồi từ khoảng những năm 2000 trở lại đây.

Tuy nhiên mãi cho đến năm 2014 khi lực lượng trình diễn Múa Thiên Cẩu được gầy dựng lại bài bản, UBND thành phố Hội An đã đưa Múa Thiên Cẩu vào hội thi Múa Lân dịp Tết Trung thu hàng năm. Từ năm 2019 đến nay thành phố tạm ngừng tổ chức Hội thi độc đáo này do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trung thu năm 2023 đánh dấu sự trở lại của bộ môn nghệ thuật múa Thiên Cẩu tại Hội An.

du-khach-hao-huc-thuong-lam-mua-thien-cau-1695919281.jpg
Du khách háo hức thưởng lãm múa Lân - Ảnh: Lâm Thông.

Sau quãng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, năm nay thành phố Hội An đưa Múa Thiên Cẩu trở lại đúng vào dịp Tết Trung thu, trong buổi lễ trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia về Lễ hội Tết Trung thu ở Hội An. Cùng với việc kích cầu du lịch, lãnh đạo thành phố cũng mong muốn khích lệ động viên, tôn vinh những nghệ nhân, những người Múa Thiên Cẩu giỏi. Qua đó bảo tồn, phát huy và nâng loại hình nghệ thuật độc đáo này lên tầm cao mới.

Thời gian tới, nếu thực hiện tốt công tác tuyên truyền và đào tạo, thành phố sẽ có đủ nguồn lực để mở hẳn một hội thi lớn dành riêng cho nghệ thuật Múa Thiên Cẩu vào những đêm hội Trung thu. Việc này vừa tôn vinh nghệ thuật dân gian đặc sắc của địa phương, vừa tô đậm hơn bản sắc văn hóa Hội An trong mắt bạn bè, du khách bốn phương cũng như đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch Hội An. Hơn nữa, càng mang lại thu nhập cho nghệ nhân và người lao động, đảm bảo đời sống nhân dân, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc này.

Nghệ thuật Múa Thiên Cẩu của Hội An đã và đang nhận được sự quan tâm, theo dõi của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa ở địa phương và Trung ương cũng như du khách khắp năm châu. Với tất cả những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền cùng nhân dân thành phố, Hội An sẽ ngày càng đón nhận thêm nhiều sự ủng hộ đắc lực từ những tấm lòng bè bạn khắp nơi nhằm đưa bộ môn nghệ thuật này bay cao, bay xa, xứng tầm như nội tại vốn có.

Cáp Vương – Lâm Thông